Cánh cửa lớn đã mở

10:28, 13/02/2016

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức được ký kết. Sau khi Hiệp định được phê chuẩn và có hiệu lực, Việt Nam cùng 11 quốc gia thành viên sẽ hợp tác trong một khuôn khổ chặt chẽ nhưng rộng mở, các hoạt động giao thương - đầu tư đang hứa hẹn mang lại những kết quả tích cực…

Với Việt Nam, các doanh nghiệp (DN) sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ việc tham gia TPP. Vấn đề đặt ra là cần có sự chuẩn bị tích cực nhằm tận dụng tối đa cơ hội cũng như giảm thiểu, triệt tiêu những hạn chế, yếu kém, hướng tới mục tiêu thu được lợi ích tối đa cho nền kinh tế.

 

Theo nhận định của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng mạnh nhờ tác động của TPP. Hàng loạt hàng hóa, sản phẩm thế mạnh sẽ được "tiếp sức" bởi thuế suất 0%. Đây là "cú hích" tác động trực tiếp đến cộng đồng DN. Nhờ thuế suất ưu đãi đặc biệt như trên nên hàng hóa của ta sẽ có lợi thế về giá, cũng đồng nghĩa với việc tránh đuợc nguy cơ bị cạnh tranh từ các nước nằm ngoài khuôn khổ TPP. Một số ngành hàng được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ là dệt may, da giày, điện thoại, đồ gỗ, thủy sản… Riêng đối với ngành dệt may, cứ 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu sẽ trực tiếp tạo ra khoảng 200.000 việc làm mới.

 

Ngoài ra, xét về cơ cấu hàng xuất khẩu thì phần lớn chủng loại hàng của Việt Nam và các nước thành viên TPP lại có tính chất riêng biệt, có thể bù đắp cho nhau. Đây cũng là một thực tế tự nhiên và "vô tình" tạo ra sự thuận lợi to lớn về cơ hội để DN Việt chủ động triển khai đầu tư phục vụ xuất khẩu.

 

Hoạt động đầu tư nước ngoài (ĐTNN) cũng được dự báo sẽ xuất hiện song hành với giao thương, vì các thành viên TPP sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam để tận dụng lợi thế về giá nhân công, thuế suất thấp cũng như vị trí thuận tiện trong vận tải hàng xuất khẩu. Đặc biệt, DN Mỹ sẽ đầu tư với tốc độ rất nhanh để thiết lập chuỗi sản xuất - cung ứng tại Việt Nam và điều đó sẽ nhanh chóng cải thiện vị trí trong bảng xếp hạng ĐTNN của họ; thậm chí, DN nước này đã nhiều lần công khai mục tiêu trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam. Làn sóng ĐTNN với quy mô lớn sẽ sớm xuất hiện nhờ những hiệu ứng tổng hợp và tích cực nói trên.

 

Trên thực tế, năm 2015, Việt Nam đã đạt kết quả thu hút vốn ĐTNN cao hơn nhiều năm trước và đó là một minh chứng cụ thể cho việc các DN quốc tế đang ngày một quan tâm, tin tưởng vào tương lai thị trường Việt Nam. Vấn đề còn lại chủ yếu phụ thuộc vào sự năng động, khả năng chuẩn bị và hành động của DN "nội". Ông Sỹ Danh Phúc, Giám đốc siêu thị Fivimart Trúc Khê cho biết, TPP sẽ tạo ra sức ép lớn và liên tục đối với các DN thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành bán lẻ. Hiện, một số DN nước ngoài như của Pháp, Mỹ đang tìm cách thâm nhập thị trường Việt Nam bên cạnh các đơn vị của Nhật Bản và Thái Lan đã có mặt từ thời gian trước. Vì vậy, mỗi đơn vị thương mại cần tập trung nghiên cứu, xác định rõ định hướng kinh doanh và chiến lược phát triển dài hạn; nhất là xác định và đầu tư bài bản vào phân khúc thị trường cụ thể, tránh manh mún. Trong khi đó, Tổng thư ký Hiệp hội các DN vừa và nhỏ TP Hà Nội Mạc Quốc Anh nhấn mạnh, các DN cần ý thức rằng, TPP là một minh chứng cho "thế giới phẳng" trong hoạt động kinh tế, có yêu cầu rất cao về sự minh bạch và chất lượng. Vì vậy, mỗi đơn vị cần xác định làm tốt công tác thị trường, mục tiêu và đối tác kinh doanh, không nên phân biệt giữa xuất khẩu hay giao thương nội địa..