Đổi thay ở “Tam Hợp”

10:58, 31/08/2016

Sau năm 1954, xã Tam Hợp (Phú Lương) được chia tách thành 3 xã Ôn Lương, Phủ Lý, Hợp Thành. Đây là 3 xã đều ghi dấu những sự kiện lịch sử trong cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc ta: Ôn Lương là nơi thành lập chính quyền cách mạng đầu tiên của huyện Phú Lương; Phủ Lý có Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa - nơi Bác Hồ đã về thăm năm 1962; Hợp Thành là nơi diễn ra Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ nhất do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì. Phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc ta, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân.

Chúng tôi trở lại xã “Tam Hợp” của huyện Phú Lương vào giữa tháng 8 đúng vào ngày trời mưa tầm tã. Những tưởng chúng tôi sẽ phải vật lộn với các con đường lầy lội, trơn trượt nhưng thay vào đó là những tuyến đường được đổ bê tông, dải nhựa phẳng phiu, chạy liền mạch đến trung tâm các xã. Nói trong tự hào, ông Nguyễn Thanh Hiền, Chủ tịch UBND xã Ôn Lương cho biết: Ôn Lương nay khác xưa nhiều lắm! Những con đường đất trước kia nay đã được thay thế toàn bộ bằng đường nhựa, đường bê tông sạch sẽ, trời mưa người dân không còn phải “sợ” đi như trước. Đời sống của người dân ngày càng đổi thay. Bình quân thu nhập trên địa bàn xã nay đạt tới 25 triệu đồng/người/năm, cao gần gấp đôi so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,3%. Đặc biệt, tỷ lệ lao động nhàn rỗi không còn như trước kia. Nay, những người ở độ tuổi từ 18-40 hầu hết đều có công việc ổn định, người làm trong Nhà nước, người đi lao động tại các công ty trong vào ngoài tỉnh. Còn những người từ 40 tuổi trở lên đều phát triển kinh tế tại địa phương, trong đó tập trung phát triển kinh tế đồi rừng và chăn nuôi, trồng trọt. Chính vì thế, cuối năm 2015 vừa qua, địa phương là một trong 5 xã của huyện Phú Lương đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

 

Ôn Lương là xã có thế mạnh về rừng trồng với trên 1.000ha, song diện tích rừng phòng hộ chiếm 1/3. Chính quyền địa phương đã phối hợp với nhiều đơn vị, tổ chức trong và ngoài tỉnh triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, điển hình nhất là mô hình nuôi giun quế, chăn gia cầm do Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (Hà Nội) triển khai. Bà Nguyễn Thị Lâu, Trưởng xóm Thâm Trung cho biết: Trước đây, bà con trong xóm sống phụ thuộc chủ yếu vào đồi rừng nhưng khi quy hoạch lại, trong 145ha rừng của xóm thì có tới 125ha là rừng phòng hộ. Mất đi nguồn thu nhập chính, bà con trong xóm không khỏi lo lắng. Nhưng gần 3 năm trở lại đây, nhờ được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, nuôi giun quế nên người dân đã chuyển sang nuôi giun quế để chăn nuôi gà, vịt. Mô hình này giúp giảm tới 30% chi phí thức ăn chăn nuôi. Do đó, gần 80% số hộ dân trong xóm làm theo. Nay, gần như nhà nào cũng nuôi ít nhất 100 gà thịt, nhiều thì 400-500 con, mỗi lứa (6 tháng) khi xuất bán thu được từ 20-80 triệu đồng/lứa.

 

Còn ở xã Phủ Lý, nếu ai từng đến cách đây 3 năm, khi trở lại sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi sự “thay da đổi thịt” ở miền quê từng rất khó khăn này. Nhiều ngôi nhà tầng mọc lên thay thế cho những ngôi nhà mái đơn sơ trước kia. Ông Hoàng Thanh Đóa, Chủ tịch UBND xã cho biết: Phủ Lý là một trong 7 xã đặc biệt khó khăn. Vì thế, việc triển khai các giải pháp nhằm cải thiện đời sống cho người dân luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng. Cùng với việc triển khai nhiều mô hình giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao vào gieo cấy, địa phương còn khuyến khích đầu tư cho chăn nuôi hay tạo điều kiện cho người dân vay vốn, tập huấn khoa học kỹ thuật phát triển kinh tế. Nhờ đó, đời sống của người dân dần được nâng lên. Hiện nay, thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt 15 triệu đồng/người/năm (năm 2011 là 11 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 13,44% (năm 2011 là 27%).

 

Tập trung đầu tư cho chăn nuôi là một trong những giải pháp được cấp ủy, chính quyền xã Phủ Lý khuyến khích người dân. Hiện nay, toàn xã có 3 trang trại và gần 20 gia trại chăn nuôi gà, lợn, quy mô từ 50 con đến 8.000 con, thu nhập bình quân mỗi năm ở các trang trại, gia trại đạt từ hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Chị Đỗ Thị Hương, xóm Đồng Rôm cho biết: Gia đình tôi chăn nuôi gà, lợn được gần 5 năm nay. Lúc đầu, do chưa có nhiều kiến thức trong chăn nuôi nên gia đình cũng chỉ dám chăn nuôi nhỏ lẻ. Nhưng khi được tham gia các lớp tập huấn kiến thức về chăn nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi cùng với việc được tạo điều kiện về các thủ tục vay vốn nên gia đình đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện nay, mỗi năm, gia đình tôi xuất ra thị trường khoảng 100 tấn gà thịt, doạn thu hơn 3 tỷ đồng, trừ các chi phí thu lãi khoảng 350-400 triệu đồng.

 

5 năm trước đây, Hợp Thành từng là xã khó khăn nhất trong 16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Lương. Thế nhưng, nhờ có sự quan tâm của các cấp từ trung ương, tỉnh, huyện cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng lòng nhất trí của nhân dân nên diện mạo của xã đã đổi thay rõ rệt. Những năm qua, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế cho người dân như: Khuyến khích bà con đưa nhiều cây, con giống cho năng suất chất lượng cao vào trồng (chè cành, lúa lai...); phát triển kinh tế đồi rừng; tín chấp cho người dân vay vốn ngân hàng phát triển sản xuất. Chính vì thế, thu nhập của người dân đã cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người của xã nay đạt 14 triệu đồng/người/năm (năm 2011 là 8 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2015 giảm còn 20%, giảm 31,3% so với năm 2011.

 

Ông Ma Quốc Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Để phát triển sản xuất, nguồn vốn đóng vai trò quan trọng đối với người dân, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo. Do đó, những năm qua, địa phương đã tạo mọi điều kiện về thủ tục, hồ sơ để các Hội, đoàn thể đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội cho các hộ hội viên nghèo vay vốn với lãi suất ưu đãi. Tính đến nay, tổng dư nợ của các hộ dân trên địa bàn xã tại Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đạt trên 14 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, nhiều hộ dân trên địa bàn đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

 

Đánh giá về những đổi thay của xã “Tam Hợp”, ông Hoàng Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho biết: Ôn Lương, Phủ Lý, Hợp Thành là vùng phía Tây của huyện. Đây là 3 xã đều có sự kiện lịch sử diễn ra, đặc biệt là 2 xã Phủ Lý và Hợp Thành đã được Bác Hồ về thăm. Phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc ta, thực hiện theo lời Bác dạy “Thi đua ái quốc” - Ra sức thi đua lao động sản xuất, những năm qua, các địa phương này đã nỗ lực phấn đấu, tập trung phát triển kinh tế, nhờ đó, đời sống của người dân đã vơi bớt khó khăn. Về phía huyện Phú Lương, những năm qua đã tập trung đầu tư để người dân có điều kiện phát triển kinh tế. Từ năm 2013 đến nay, huyện đã đầu tư, hỗ trợ, triển khai nhiều chương trình tại 3 địa phương này, cụ thể như: hỗ trợ máy móc sản xuất nông nghiệp với tổng giá trị trên 2 tỷ đồng; xây mới, sửa chữa, duy tu hệ thống kênh mương, hồ đập, các trạm bơm với tổng kinh phí hơn 25 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện đã đưa nhiều mô hình phát triển kinh tế như mô hình lúa Nếp Vải, chăn nuôi thủy sản, cây ăn quả… Trong đó, lúa Nếp Vải ở xã Ôn Lương có quy mô hơn 50ha nay đã được chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, là sản phẩm hàng hóa được xuất bán rộng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Tính bình quân, thu nhập 1ha lúa Nếp Vải đạt hơn 80 triệu đồng, cao gần gấp đôi so với gieo cấy giống lúa thông thường. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quan tâm tạo điều kiện về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật để người dân ở đây có điều kiện thuận lợi hơn phát triển kinh tế, đồng thời sẽ triển khai những mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp với đồng đất của từng địa phương, nhất là thuận lợi về đầu ra cho sản phẩm.