67 tuổi đời nhưng ông có tới 40 năm gắn bó với nghề trồng cây ăn quả. Trong khu vườn rộng hơn 8.000m2 với hơn chục loại cây ăn quả cho thu hoạch quanh năm đã minh chứng cho sự đầu tư có thâm niên của ông với nghề. Ông là Nguyễn Mạnh Thường, xóm Liên Hồng 8, xã Vô Tranh (Phú Lương).
Từ cổng nhà ông Thường vào đến sân có chiều dài chưa đầy 50m nhưng chúng tôi đếm lướt cũng đã có tới 5-6 loại cây ăn quả, gồm: Mít, ổi, nhãn, đu đủ, táo… Điều hấp dẫn chúng tôi là những loại cây này có chiều cao khá “khiêm tốn” nhưng quả lại sai trĩu, nhất là hàng mít Thái với hơn chục cây chạy dài từ cổng vào. Lấy rổ nhãn vừa mới bứt ngoài vườn mời chúng tôi, ông Thường kể về thời gian ông “bén duyên” với nghề trồng cây ăn quả. Ông bảo: Năm 1976, sau hơn 1 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ, tôi đã xuất ngũ trở về địa phương. Lúc đó, tôi 26 tuổi nhưng đã có 3 đứa con. Hoàn cảnh gia đình khó khăn đã thôi thúc tôi tìm mọi cách để kiếm kế sinh nhai. Thấy đất đai rộng, tôi nghĩ đến việc trồng cây ăn quả. Bắt đầu là trồng cây vải. Đây là loại cây ăn quả để lại nhiều ấn tượng với tôi khi còn tham gia quân ngũ. Thời gian đầu tôi chỉ trồng vài gốc, 3 năm sau thì cây đã cho thu hoạch, thấy cây dễ trồng, quả lại ngon nên gia đình bắt đầu nhân rộng.
Trong khoảng thời gian 20 năm (từ 1976-1996), gia đình ông Thường bắt đầu nhân rộng diện tích vải. Thời đỉnh điểm nhất, gia đình ông đã trồng tới hơn 2ha vải, phải thuê tới cả chục lao động để thu hoạch. Với diện tích ấy, trung bình mỗi vụ gia đình ông thu được gần 10 tấn quả, bán 15 triệu đồng/tấn cho thu tới trên dưới 150 triệu đồng. Thấy được lợi ích kinh tế, nhiều người dân trong xã đã mua giống về trồng, nhiều nhà đã trồng tới cả héc ta vải. Tuy nhiên, theo quy luật của thị trường, khi diện tích vải tăng lên nhanh thì thị trường tiêu thụ bị bão hòa. Trong 2 năm (từ 1998 đến 2000), diện tích vải của gia đình ông Thường bắt đầu khó tiêu thụ. Giá bán vải bấy giờ tụt dốc xuống từ 15 triệu đồng xuống còn 7 triệu đồng/tấn. Nhận thấy vải là loại quả chín rộ, khi bán tư thương sẽ ép giá nên nhiều vụ ông Thường đã cho phơi khô quả vải để bán quanh năm nhưng cũng không mấy hiệu quả.
Lăn lộn với cây vải hơn 20 năm, ông Thường nhận thấy vải loại cây phụ thuộc khá nhiều vào thị trường. Do đó, năm 2000, ông đã phá bỏ dần diện tích vải và bắt đầu trồng nhiều loại cây ăn quả khác nhau để có thể thu hoạch quanh năm. Đến nay, trong khu vườn rộng gần 8.000m2 của gia đình ông có tới hơn chục loại cây ăn quả khác nhau. Mùa nào thức ấy, mùa hè, xuân ông bán ổi, mít, na; mùa thu có nhãn, mùa đông bán táo… Theo tính toán, mỗi năm, trừ mọi chi phí, gia đình ông thu được trên dưới 100 triệu đồng từ việc bán các loại quả. Khi hỏi về các biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả, ông Thường cho biết: Ai khi đã gắn bó với nghề gì sẽ phải tự tìm tòi, nghiên cứu về nó qua nhiều kênh thông tin. Trồng cây ăn quả là nghề đòi hỏi người trồng phải “yêu” và hiểu nó thì mới biết cách chăm sóc để nó lớn và cho thu quả.
Thăm vườn cây ăn quả của gia đình ông Thường, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi ông còn dành một số diện tích đất để trồng cây thuốc. Hỏi ra mới biết, ông Thường còn là người chuyên chữa các bệnh về xương khớp bằng thuốc Nam. Tra theo cuốn sổ danh sách bệnh nhân ông Thường ghi lại từ năm 2009, đến nay đã có tới hàng trăm người được ông chữa khỏi bệnh. Khi được hỏi cơ duyên nào ông đến với nghề này, ông Thường bảo: Năm 1979, khi vợ tôi mang bầu 6 tháng đứa con thứ tư đã bị ngã gẫy chân. Khi đưa đến bệnh viện, các bác sĩ kết luận phải gây đẻ non mới có hy vọng chữa khỏi chân cho người mẹ. Tôi đã quyết định đưa vợ về nhà để tìm cách khác chữa trị khác. Nhớ trong quân ngũ, tôi có quen thầy thuốc chuyên bốc thuốc nam chữa xương khớp ở Cao Bằng nên đã đi tìm. Do trong thời chiến, việc đi lại giữa các tỉnh không dễ dàng nên tôi được thầy cho bài thuốc về chữa khỏi chân cho vợ. Sau đó 2 năm (năm 1981), do có bạn là bác sĩ chuyên chữa xương khớp nên tôi đã xuống bệnh viện A học tập trong thời gian hơn 2 năm. Từ đó, tôi có thể đọc được phim và có thêm nhiều kiến thức về xương khớp để chữa cho nhiều người.
Nhận xét về ông Thường, đồng chí Trần Xuân Tứ, Phó Chủ tịch UBND xã Vô Tranh cho biết: Vô Tranh là xã có thế mạnh về phát triển cây chè. Tuy nhiên, gia đình ông Thường lại có hướng phát triển mô hình cây ăn quả. Đây là mô hình phát triển kinh tế hay, đem lại thu nhập cao cho gia đình. Với mô hình này, thời gian qua, địa phương cũng đã giới thiệu với nhiều người dân trong và ngoài huyện để họ có thêm lựa chọn trong việc phát triển kinh tế giai đình. Tôi cho rằng, đây là tấm gương sáng để cho nhiều người học tập và làm theo.