Giải phóng mặt bằng mỏ sắt Tây Chỏm Vung: Khi mức giá thỏa thuận đòi hỏi quá cao

14:32, 14/09/2016

 Ngoài việc đồng ý nhận bồi thường theo giá quy định của Nhà nước, các hộ bị ảnh hưởng bởi Dự án khai thác mỏ sắt Tây Chỏm Vung, xã Cây Thị (Đồng Hỷ) còn nhất nhất đòi chủ dự án bồi thường thêm theo giá thỏa thuận đối với từng hộ. Tuy nhiên, mức giá thỏa thuận mà người dân đưa ra quá cao khiến chủ dự án không thể đáp ứng nổi. Hậu quả, dự án đình trệ, cả doanh nghiệp, người dân và chính quyền địa phương đều chịu thiệt.    

Dự án khai thác mỏ sắt Tây Chỏm Vung được UBND tỉnh cấp phép cho Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên (Công ty LKĐ) từ năm 2009 với diện tích trên 9,7ha, thời hạn khai thác 10 năm. Đây là dự án Nhà nước thu hồi đất hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), nên Ban Bồi thường GPMB của huyện đã phối hợp với chủ dự án tiến hành các thủ tục bồi thường theo quy định. Do gặp nhiều khó khăn nên đến năm 2013, Dự án mới giải phóng được gần 0,9ha. Phần diện tích này đã được UBND tỉnh ký hợp đồng cho Công ty LKĐ thuê để tiến hành khai thác quặng sắt theo quy định.

 

Phần diện tích còn lại vẫn chưa thể giải phóng do 8 hộ dân trong diện ảnh hưởng (thuộc xóm Hòa Bình, xã Cây Thị) chưa nhận bồi thường vì cho rằng chủ dự án không đáp ứng theo đề nghị. Theo bà Lâm Thu Hiền, Trưởng Ban Bồi thường GPMB huyện Đồng Hỷ thì huyện đã tiến hành kiểm đếm tài sản, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu trên đất thu hồi trong vùng dự án, đồng thời lập phương án dự toán bồi thường, hỗ trợ GPMB theo giá quy định của UBND tỉnh tại thời điểm thu hồi. Huyện cũng tiến hành niêm yết công khai phương án tại Nhà văn hóa xóm Hòa Bình và UBND xã Cây Thị. Phương án này đã được các hộ trong diện ảnh hưởng thống nhất, song tại cuộc họp lấy ý kiến sau đó, đại diện các hộ dân lại đề nghị ngoài phương án bồi thường của Nhà nước, chủ dự án phải bồi thường thêm theo thỏa thuận - điều ít thấy ở các dự án Nhà nước thu hồi đất.

 

Trao đổi với chúng tôi, bà Vũ Thị Tiến, một trong 8 hộ thuộc vùng dự án cho rằng, ngoài bồi thường hơn 1 tỷ đồng theo giá Nhà nước, chủ dự án phải trả thêm hơn 1 tỷ đồng nữa gia đình mới đồng ý di dời, bàn giao mặt bằng. Còn bà Ngô Thị Kim Kiều thì khẳng định, mức bồi thường theo giá Nhà nước áp với gia đình bà hơn 770 triệu đồng là chưa tương xứng, đề nghị chủ dự án phải bồi thường thêm khoảng 1 tỷ đồng nữa mới thỏa đáng. Được biết, một số gia đình trong vùng dự án cũng đòi hỏi bồi thường thêm với mức giá cao gấp hai, ba lần giá Nhà nước quy định. Đó là gia đình các ông, bà Lê Văn Cầm, Trần Văn Trường, Trần Xuân Mỳ, Trần Thị Thiềm, Nguyễn Thị Thành.

 

Theo phản ánh của chủ dự án, tổng mức giá bồi thường như niêm yết đối với các hộ nói trên là gần 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, với mức thỏa thuận mà các hộ đòi thêm thì chủ dự án sẽ phải bỏ ra khoảng 20 tỷ đồng để GPMB, tức là tăng thêm khoảng 13 tỷ đồng so với phương án niêm yết. Ông Chu Thái Hà, Phó Giám đốc Công ty LKĐ khẳng định, giá bồi thường GPMB đội lên quá cao, vượt khả năng tài chính của đơn vị, nên chắc chắn không thể thực hiện được. Hơn nữa, trữ lượng quặng sắt của dự án ít, hàm lượng thấp, nếu chấp nhận giá bồi thường lớn như vậy sẽ thua lỗ. Sở dĩ đơn vị chấp nhận thỏa thuận thêm ngoài đơn giá Nhà nước là bởi muốn đẩy nhanh tiến độ dự án cũng như muốn người dân mất đất ổn định cuộc sống. Chúng tôi đã có nhiều nhượng bộ trong thỏa thuận giá bồi thường nhưng các hộ dân không nghe. Như trường hợp nhà anh Vũ Tuấn Anh (con bà Vũ Thị Tiến), đơn vị đã đề nghị đổi cho ngôi nhà xây khang trang nằm trên diện tích đất rộng hơn 1.000m2 ở trung tâm thị trấn Trại Cau với giá trị cao hơn khoảng 500 triệu  đồng so với giá bồi thường của Nhà nước, nhưng chủ nhà chưa chịu, muốn đòi cao hơn.

 

Trước thực tế khó GPMB, trong khi lại vừa hoàn tất thủ tục nộp hơn 2 tỷ đồng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với mỏ sắt Tây Chỏm Vung, nên Công ty LKĐ đã nóng lòng không chờ GPMB xong toàn bộ dự án mà tổ chức khai thác phần diện tích gần 0,9ha đã được cấp phép. Công ty đưa máy móc, thiết bị vào khu vực đã GPMB để khai thác tạo ra những hố sâu và rộng sát gần nhà dân. Do đó, dẫn đến nguy cơ sạt lở, mất an toàn đối với các hộ trong diện ảnh hưởng, khiến bà con bức xúc, phản ứng gay gắt. Ngay sau khi có ý kiến của người dân và chính quyền địa phương, Công ty LKĐ đã cho dừng hoạt động khai thác, đồng thời tiến hành lấp một số vị trí khai thác có độ sâu lớn, dễ gây nguy hiểm. Đại diện Công ty LKĐ cam kết sẽ dừng toàn bộ dự án đến khi nào hoàn tất GPMB mặc dù đang rất nóng lòng vì đây là dự án phục vụ nguồn nguyên liệu đầu vào cho Nhà máy luyện gang của Công ty.

 

Có thể thấy, khu vực thực hiện dự án này tuy không lớn, số hộ dân ảnh hưởng không nhiều song lại đang gặp không ít khó khăn trong triển khai. Theo quan sát của chúng tôi, khu vực này người dân đang ở đan cài giữa ba bề, bốn bên đều có hoạt động khai thác khoáng sản. Thời gian gần đây, các hộ dân trong vùng thường chịu cảnh mất nước, sụt lún khiến cuộc sống bất an. Bởi vậy, việc di dời nhà cửa chuyển đến nơi ở mới đảm bảo hơn là nhu cầu cấp thiết và chính đáng của bà con. UBND huyện Đồng Hỷ cũng đã có phương án tái định cư cụ thể để các hộ dân di chuyển, đồng thời sẵn sàng thực hiện các cơ chế hỗ trợ tốt nhất cho bà con theo quy định. Trong khi đó, chủ đầu tư đã dành nhiều thời gian, nguồn lực để triển khai dự án. Nhu cầu về khai thác nguyên liệu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp đang là đòi hỏi lớn. Việc dự án đình trệ, kéo dài cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, tác động xấu đến môi trường sản xuất kinh, doanh và tình hình an ninh, trật tự ở địa phương...

 

Như vậy, lợi ích của tất cả các bên đều đang bị ảnh hưởng. Do đó, việc hài hòa và đảm bảo lợi ích là mục tiêu quan trọng mà cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cần hướng tới. Ở trường hợp cụ thể này, vấn đề đặt ra là khi lợi ích được đòi hỏi quá cao, ngoài khả năng đáp ứng và lấn át các lợi ích còn lại thì sẽ khó mang đến kết quả như mong đợi, nếu không muốn nói là bất khả thi.