Nắng tháng Tám dịu lại khi trước mắt chúng tôi là một màu xanh trải dài như bất tận. Đường bê tông vắt ngang những đồi cây ăn qủa với đủ loại như thanh long, cam, bòng, nhãn, chuối... đưa chúng tôi tới thăm những gia đình giàu lên nhờ chọn cho mình con đường làm ăn đúng hướng. Một ngày đến với xóm Khe Đù, xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên) đã mang lại cho chúng tôi những cảm nhận bất ngờ và thú vị.
Đứng dưới bóng mát cây cây nhãn mấy chục năm tuổi, quả to tròn, bóng bảy, trĩu chịt như “trêu ngươi” trước mắt, chúng tôi chỉ muốn giơ tay hái để thưởng thức hương vị ngọt ngào, nhưng chợt nhớ ra lời mẹ dặn năm nào “khi nhãn ra qủa, nếu có tay người động vào là phải hái hết cả cây, không chim, dơi sẽ bay về ăn trụi cả lá cây”, nên chúng tôi bảo nhau “miễn cưỡng” hướng mắt ra nơi khác. Nhưng đâu đâu cũng vẫn là một màu xanh mát với những chùm quả nâu bóng căng tròn lúc lỉu. Gần hai chục năm trong nghề làm báo, đây là lần đầu tiên tôi đi giữa một rừng cây trái xum xuê, lại đúng mùa qủa chín, khiến trong lòng trào dâng cảm xúc khó tả như lạc vào khu rừng chỉ có trong những câu truyện cổ tích bà kể năm nào. Đến Khe Đù, tôi chợt nghĩ, cổ tích hóa ra chẳng phải là ảo ảnh mà có ngay giữa đời thực, đẹp như mơ, nào nhãn, cam, bưởi, thanh long... được người nông dân phủ xanh trên diện tích gần 200ha. Nhờ có những loại cây ăn qủa này đã giúp gần 80/96 hộ dân trong xóm thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng; không chỉ có vậy, còn tạo ra một vùng sinh thái với không khí trong lành, mát mẻ, đủ sức lôi cuốn du khách đến thăm quan, thưởng ngoạn lý tưởng...
Anh Nguyễn Viết Long, Trưởng xóm Khe Đù cho biết: Người dân trong xóm phần lớn là ở Hưng Yên đi cư lên xây dựng kinh tế mới từ những năm 1973. Có một số người đã mang theo giống nhãn nổi tiếng ngon, ngọt của quê hương Hưng Yên lên trồng. Nhãn bén duyên với đất Khe Dù do phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng. Từ chỗ chỉ có dăm hộ trồng vài gốc để ăn, giờ 100% số hộ trong xóm đều trồng nhãn với diện tích tới hơn 140ha; còn gần 50ha là các loại cây ăn qủa khác. Nhà trồng ít vài chục gốc nhãn, trồng nhiều tới 700-800 gốc. Có những cây nhãn vài chục năm, những cũng có cây mới chỉ vài năm tuổi gọi là nhãn Miền (do đã được lai tạo). Nhưng cơ bản vẫn có vị ngon, ngọt, mát, bổ đặc trưng của giống nhãn Hưng Yên nổi tiếng.
Đến với Khe Đù, chúng tôi không chỉ đi giữa những vườn nhãn ngút ngát xanh mà còn được ngắm nhìn những đồi chuối, vườn cam, thanh long ruột đỏ... trải rộng, phủ xanh những quả đồi. Vùng cây ăn quả đang hình thành ở nơi đây với 3 xóm có tiềm năng về đất đai phù hợp với việc trồng cây ăn qủa là Khe Đù - Khe Lánh và Quân Xóm. Anh Ôn Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận phấn khởi: Nhờ những loại cây ăn quả này phù hợp với đồng đất, khí hậu nơi đây đã giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Trước kia, vùng đất này toàn đồi bãi bỏ hoang, cây dại mọc um tùm, đường đi lối lại khó khăn... Nhưng được sự quan tâm của lãnh đạo thị xã, con đường từ trung tâm xã vào đến Khe Đù đã được mở rộng, bê tông; nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trộng trọt đã được mở; các ngân hàng trên địa bàn thị xã cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được vay vốn đầu tư làm ăn... Chúng tôi đang xây dựng đề án quy hoạch vùng cây ăn qủa gồm 3 xóm kể trên với tổng diện tích hơn 300ha; tiến tới xây dựng thương hiệu nhãn Khe Đù. Hy vọng vùng đất này sẽ trở lên trù phú, giàu có trong tương lai gần.
17 hộ nghèo, là con số vẫn khiến các cán bộ xóm Khe Đù phải trăn trở. Nhưng đó cũng là kết qủa của sự nỗ lực rất lớn trong 3 năm trở lại đây, khi có thời điểm số hộ nghèo và cận nghèo lên tới hơn 30 hộ. Anh Nguyễn Viết long qủa quyết, nếu như năm nào thời tiết cũng thuận lợi, nhãn được mùa như năm nay thì chỉ vài năm nữa là Khe Đù sẽ không còn hộ nghèo. Trong năm nay, chúng tôi phấn đấu giảm từ 5-7 hộ nghèo. Tôi “vặn” lại: Làm sao biết được thời tiết sẽ thế nào mà anh dám chắc thế?
- Đúng vậy chị ạ, làm nghề nông điều khiến chúng tôi lo lắng nhất là thời tiết, còn kỹ thuật và kinh nghiệm chăm sóc thì người dân Khe Đù rất tự tin vào mình rồi. Chỉ cần tháng Giêng, Hai mưa nhiều thì nhãn sẽ không thể thụ qủa, thậm chí là mất trắng. Chưa năm nào Khe đù được mùa nhãn như năm nay, giá bán đạt từ 18-20 nghìn đồng /kg. Vì đường sá đi lại đã khá thuận tiện nên tư thương cho xe ô tô vào tận vườn thu mua quả. Người dân Khe Đù đã chuyển đổi hết diện tích trồng lúa bấp bênh sang trồng cây ăn qủa, mùa nào thức ấy, giáp Tết bán bưởi, bán cam, giữa năm bán nhãn, cuối năm bán chuối...
Đi giữa những vườn nhãn xum xuê, chúng tôi bắt gặp những bà, những chị với gương mặt rám nắng đang hái nhãn. Lao động không bao giờ là nhàn hạ nhưng trong ánh mắt mỗi người đều ánh lên niềm vui vì thành qủa họ thu được là xứng đáng với công sức đã bỏ ra. Chia tay người nông dân Khe Đù, chúng tôi mang theo về biết bao niềm vui và sự hy vọng về một tương lai tươi sáng sẽ đến với những người nông dân cần cù, chịu thương chị khó ở nơi đây - Mảnh đất một thời “nổi tiếng” bởi sự nghèo khó.