Từ khi về định cư tại xóm Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc (Võ Nhai), bà con dân tộc Mông ở đây chỉ trồng ngô để lấy lương thực ăn hàng ngày nên đời sống của hơn 100 hộ dân đều thuộc diện nghèo. Thế nhưng, mấy năm gần đây, bà con đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển chăn nuôi, từ đó từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Sau nhiều lần tìm kiếm, thăm dò vùng đất mới, năm 1979, hơn 40 hộ đồng bào dân tộc Mông ở Cao Bằng đã về xã Sảng Mộc định cư và lập nên xóm Khuổi Mèo. Trải qua gần 4 thập niên, đến nay, xóm có 102 hộ với hơn 600 nhân khẩu (100% số hộ là dân tộc Mông). Từ khi chuyển về đây sinh sống, bà con ngày ngày phát nương làm rẫy, bữa ăn thường chỉ có món mèn mén chế biến từ ngô. Năm tháng qua đi, đất canh tác trên các sườn đồi, lưng núi ở đây dần bị rửa trôi, bạc màu nên cây ngô mọc không quá thắt lưng, bắp nhỏ, thưa hạt. Năm nào mưa thuận gió hòa, lượng ngô các hộ thu được cũng chỉ đủ làm mèn mén ăn qua ngày, chẳng có dư thừa để bán lấy tiền chi tiêu. Vì vậy, tất cả các hộ ở đây đều thuộc diện nghèo, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Về việc gieo cấy lúa, anh Phùng Văn Lành, Trưởng xóm Khuổi Mèo chia sẻ: Trong xóm có khoảng 30 hộ không có ruộng, số còn lại chỉ cấy từ 3-5 sào lúa một vụ nên nhiều hộ vẫn thiếu lương thực và thường xuyên phải đi đong thóc ăn. Bà con tập trung trồng ngô để phát triển kinh tế nhưng với giá ngô như thời gian qua thì phải bán 2kg ngô mới mua được 1kg gạo nên khó có thể thoát nghèo…
Do trồng ngô không hiệu quả nên những năm qua, chính quyền địa phương đã vận động bà con chuyển đổi loại cây trồng. Trong đó, một phần diện tích trồng ngô chuyển sang trồng lúa nương để bà con lấy cái ăn hàng ngày, một số chuyển sang trồng cây ăn quả và trồng rừng kinh tế. Thực hiện Chương trình 135 và Đề án số 2037 “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống của tỉnh đến năm 2020”, người dân ở Khuổi Mèo được Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón phục vụ phát triển sản xuất. Đến nay, khoảng 40 hộ trồng lúa đã có đủ gạo ăn quanh năm…
Xóm Khuổi Mèo có khoảng hơn 50ha rừng sản xuất, nhưng trước đây, bà con không canh tác mà chỉ để cho cây bụi, cỏ mọc, do lo sợ khi khai thác bị thương lái ép giá vì đường giao thông khó khăn. Cuối năm 2014, Nhà nước đầu tư đổ bê tông tuyến đường dài gần 10km từ trung tâm xã vào xóm theo Đề án 2037. Có đường mới, người dân ở đây đã mạnh dạn vay vốn để chuyển một phần đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng rừng sản xuất. Đến nay bà con trồng được khoảng 15ha cây keo. Hiện tại, trong xóm Khuổi Mèo đã có gần 40 hộ dân vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội với số tiền từ 20 đến 30 triệu đồng để đầu tư trồng rừng. Bên cạnh đó, một số hộ chuyển một phần đất trồng ngô sang trồng cây ăn quả và bước đầu mở ra hướng phát triển mới cho người dân Khuổi Mèo. Ngoài ra, với lợi thế về bãi chăn thả đại gia súc, từ năm 2013, người dân xóm Khuổi Mèo đang mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê. Đến nay, tổng đàn trâu bò trong xóm đã đạt hơn 200 con và có 4 hộ nuôi dê với tổng số gần 100 con. Có gia đình nuôi tới 10 con trâu, bò, điển hình như Trưởng xóm Phùng Văn Lành… Chăn nuôi đại gia súc theo hướng thương phẩm đã bắt đầu hình thành thay cho việc chăn nuôi lấy sức kéo như trước kia.
Chị Lý Thị Vàng, một người dân trong xóm chia sẻ: Năm 2015, gia đình tôi chuyển hơn 5 sào đất trồng ngô sang trồng cam sành, thiếu vốn nên phải vay ngân hàng 50 triệu đồng. Giờ cam phát triển tốt, dự kiến đến năm 2017 sẽ cho thu hoạch lứa đầu. Với số tiền vay được, gia đình tôi cũng mua 2 con trâu về để chăn thả, đến nay, trâu mẹ đã đẻ được một nghé con. 2 năm nữa đến hạn trả vốn ngân hàng, gia đình tôi bán 2 con trâu là có thể trả đủ số tiền đã vay để đầu tư…
Dù những mô hình trồng trọt, chăn nuôi ở Khuổi Mèo mới ở giai đoạn thử nghiệm của một số hộ tiên phong nhưng bước đầu đã tạo ra sự thay đổi về nhận thức, cách làm của bà con. Khi những mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế, bà con sẽ tự học nhau để nhân rộng. Tuy nhiên, để hướng phát triển kinh tế mới ở Khuổi Mèo thực sự hiệu quả, bền vững thì bà con nơi đây đang rất cần sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa của cấp ủy, chính quyền huyện Võ Nhai trong việc mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt; phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm…