Thời điểm này, diện tích lúa mùa sớm trên địa bàn tỉnh đang trong giai đoạn chín sữa - chín sáp, lúa mùa trung đang làm đòng - trỗ bông, lúa mùa muộn đang đứng cái. Tuy nhiên hiện nay, sâu, bệnh trên lúa đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là bệnh khô vằn, sâu cuốn lá nhỏ và rầy nâu, rầy lưng trắng đang có xu hướng gây hại gia tăng nhanh cả về mật độ và diện tích. Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp - PTNT và các địa phương tập trung chỉ đạo nông dân tích cực thăm đồng nhằm phát hiện và phòng trừ kịp thời sâu bệnh hại lúa cuối vụ.
Trao đổi cùng chúng tôi, bà Đinh Thị Hiền, ở xóm Khâu Giang, xã Bản Ngoại (Đại Từ) cho biết: Vụ mùa năm nay, gia đình tôi gieo cấy 4 sào lúa các loại. Rút kinh nghiệm vụ mùa trước, giai đoạn lúa trỗ bông, do chủ quan trong phun phòng trừ nên 1 phần diện tích lúa bị rầy nâu gây hại, ảnh hưởng lớn đến năng suất. Năm nay, để bảo vệ lúa giai đoạn cuối vụ, gia đình đã chủ động phun thuốc phòng trừ bệnh khô vằn và rầy nâu; hiện lúa sinh trưởng, phát triển tốt.
Theo báo cáo của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Đại Từ, từ đầu vụ đến nay, trên địa bàn huyện đã xuất hiện một số đối tượng sâu, bệnh hại lúa như: ốc bươu vàng, chuột, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn, rầy nâu, rầy lưng trắng… Trạm đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ kịp thời. Tuy nhiên, từ nay đến cuối vụ dự kiến trên đồng ruộng tiếp tục xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ, rầy các loại, sâu đục thân 2 chấm, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bọ xít dài và châu chấu gây hại cục bộ. Trước dự báo tình hình sâu, bệnh hại lúa cuối vụ có xu hướng phát sinh, phát triển mạnh, Trạm đã phân công cán bộ tăng cường kiểm tra đồng ruộng và thông báo cụ thể tới từng xã để nông dân chủ động phòng, trừ những diện tích đến ngưỡng, tránh tư tưởng chủ quan gây cháy rầy cuối vụ.
Cũng như Đại Từ, cán bộ phụ trách nông nghiệp, bảo vệ thực vật T.X Phổ Yên đang tích cực thăm đồng, hướng dẫn nông dân phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa. Anh Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế thị xã cho biết: Vào thời điểm cuối vụ, sâu, bệnh tiềm ẩn nguy cơ bùng phát mạnh. Hiện nay, toàn huyện có gần 1.000ha lúa bị nhiễm bệnh khô vằn với tỷ lệ bệnh trung bình 6-20%, nơi cao 30-50%, cục bộ 70% bông bị hại. Ngoài ra, còn có sâu cuốn lá nhỏ, sâu non mật độ trung bình 1-8 con/m2, nơi cao 10-40 con/m2 , cục bộ 160 con/m2; rầy nâu, rầy lưng trắng cũng xuất hiện rải rác trên một số diện tích. Để hạn chế những thiệt hại do sâu, bệnh gây ra, cán bộ chuyên môn của thị xã tích cực cùng nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến của các loại sâu, bệnh; đặc biệt sự phát sinh gây hại của rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ để thông báo đến các hộ dân phòng, trừ kịp thời, đạt hiệu quả cao.
Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh gieo cấy được trên 41.368ha lúa, đạt 104% kế hoạch; trong đó, diện tích lúa lai đạt gần 7 nghìn ha, diện tích lúa thuần chất lượng cao trên 5.200ha. Qua kiểm tra của Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh cho thấy, hiện nay, toàn tỉnh có trên 7.200ha lúa bị nhiễm bệnh khô vằn với mật độ phổ biến 4-20%; nơi cao từ 30-70% rảnh bị hại, tăng trên 1.100ha so với cùng kỳ năm trước; tập trung ở các địa phương như: T.P Thái Nguyên, T.X Phổ Yên, T.P Sông Công và các huyện Định Hóa, Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Bình... Ngoài ra, còn có hơn 200ha lúa ở các địa phương: T.X Phổ Yên, Đại Từ, Phú Lương bị nhiễm rầy các loại và sâu cuốn lá nhỏ. Mặc dù diện tích bị nhiễm không nhiều nhưng theo khuyến cáo của Chi cục, từ nay đến hết vụ, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, nắng nóng xen kẽ mưa rào và giông. Vì vậy, trong thời gian tới, bệnh khô vằn gây hại có khả năng tăng cả về tỷ lệ bệnh và diện tích nhiễm; rầy nâu, rầy lưng trắng tăng mật độ gây hại trên các trà lúa; sâu non sâu cuốn lá nhỏ tiếp tục hại trên lúa mùa trung giai đoạn làm đòng, lúa mùa muộn giai đoạn đứng cái. Nếu không được phát hiện và phòng trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất của cả vụ.
Ông Lương Văn Vượng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Nhận thức tầm quan trọng của việc phòng, trừ sâu, bệnh hại lúa cuối vụ, trong tháng 8 vừa qua, chúng tôi cũng đã thành lập đoàn đi kiểm tra và hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh tại 9/9 huyện, thành, thị trong tỉnh; đồng thời, phối hợp với các địa phương chủ động thông báo cho nông dân tình hình sâu, bệnh, các biện pháp kỹ thuật phun thuốc phòng, trừ. Hiện đang là thời điểm phòng, trừ sâu, bệnh tập trung và có ý nghĩa quyết định đến năng suất lúa, vì vậy các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu, bệnh hại, xác định những diện tích cần phòng trừ khi mật độ, tỷ lệ đến ngưỡng theo nguyên tắc 4 đúng, góp phần bảo vệ năng suất, sản lượng lúa.