Phát huy thế mạnh kinh tế đồi rừng

09:03, 10/12/2018

Xã Tân Thịnh (Định Hóa) có tỷ lệ đất rừng chiếm trên 80% diện tích đất tự nhiên. Những năm gần đây, nhờ tập trung phát triển kinh tế đồi rừng, đời sống của người dân trong xã từng bước được cải thiện, nhiều hộ vươn lên từ hướng đi hiệu quả này.

Xã Tân Thịnh có diện tích rừng trên 4.900ha, trong đó rừng sản xuất là 3.510ha. Những năm gần đây, mỗi năm xã trồng mới được hơn 100ha rừng, sản lượng gỗ khai thác đạt trên 2.000m³/năm. Nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, đời sống của nhân dân địa phương ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 34,5% (năm 2016) xuống còn 22,2% (hiện nay).

Dẫn chúng tôi đi thăm rừng keo mới trồng được trên 2 năm của gia đình, ông Trịnh Xuân Cường, ở xóm Làng Đúc, xã Tân Thịnh cho biết: Nhà tôi đã trồng 5ha rừng từ năm 2002, nhưng do trồng cây mỡ phát triển chậm, nhiều cây bị chết non nên đến năm 2009 gia đình tôi thu hoạch chỉ bán được gần 90 triệu đồng, trừ chi phí thì thu lãi chẳng là bao. Sau khi được các cán bộ kiểm lâm địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn, từ năm 2009, gia đình tôi đã chuyển toàn bộ diện tích rừng sang trồng keo úc, keo tai tượng cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn. Đến năm 2017, diện tích rừng keo được khai thác, gia đình tôi thu về trên 250 triệu đồng. Từ số tiền đó, gia đình tiếp tục đầu tư trồng rừng và trích lại một phần phục vụ phát triển chăn nuôi. Đến nay, gia đình tôi đã ổn định về kinh tế, xây dựng được nhà cửa khang trang, đồng thời vay thêm vốn của họ hàng để mua xe ô tô tải, máy xúc...

Để đáp ứng nhu cầu về đầu ra cho sản phẩm gỗ khai thác từ rừng của nhân dân địa phương, hiện nay, trên địa bàn xã có 4 cơ sở chế biến lâm sản, với sản phẩm chủ yếu là gỗ bóc, ván bóc, nguyên liệu sản xuất giấy, cốp pha… Các cơ sở này bảo đảm 100% đầu ra cho sản lượng gỗ khai thác từ diện tích rừng đến thời kỳ thu hoạch của nhân dân địa phương.

Bà Nguyễn Thị Sáu, chủ một cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn xã cho biết: Với nguồn vốn vay từ ngân hàng cùng với số tiền gia đình tích góp được, năm 2013, nhà tôi đã đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng với diện tích 1.000m², mua hệ thống máy móc. Cơ sở chế biến gỗ của gia đình chủ yếu sử dụng các loại gỗ keo, mỡ được thu mua của bà con trong xã. Hiện nay, mỗi ngày cơ sở chế biến được 8m³ gỗ các loại, cung cấp ra thị trường trên 3.000m³ ván bóc/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức thu nhập bình quân đạt trên 3 triệu đồng/người/tháng.

Ông Ma Thanh Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh cho biết: Những năm qua, chính quyền địa phương đã có nhiều chủ trương khuyến khích người dân phát triển kinh tế đồi rừng, góp phần tăng thu nhập như: Triển khai đầy đủ, kịp thời cơ chế, chính sách hỗ trợ trồng rừng; tạo điều kiện phát triển cho các cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản để phục vụ đầu ra cho bà con; phối hợp với huyện tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Vì thế, nhiều diện tích trồng trước dây bỏ trống đã được bà con cải tạo, tận dụng trồng rừng. Đặc biệt, Xã đang tích cực vận động, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân chuyển đổi sang trồng quế đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Cũng theo ông Hoàn, từ năm 2015 đến nay, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Định Hóa lần thứ XXIII và Nghị quyết của HĐND huyện, xã Tân Thịnh đã tiếp nhận và triển khai Dự án trồng cây quế trên diện tích hơn 275ha. Từ khi triển khai Dự án đến nay, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn chú trọng tuyên truyền, vận động và tổ chức tập huấn kỹ thuật cho 174 hộ dân tham gia trồng quế, tập trung ở các xóm Khuổi Lừa, Nà Chúa, Làng Lải, Nà Lèo, Thịnh Mỹ 1, Thịnh Mỹ 2. Cây quế nếu được trồng và chăm sóc đúng cách sẽ đem lại giá trị kinh tế gấp hàng chục lần cây keo. Chính vì thế, dự án trồng quế rất được bà con, nhân dân trong xã đồng thuận, ủng hộ. Qua 4 năm, kết quả bước đầu cho thấy, thổ nhưỡng phù hợp với cây quế, tỷ lệ cây sống đạt trên 75%.

Tuy vậy, cây quế là loại cây có thời gian sinh trưởng lâu (khoảng 15 năm) mới cho thu hoạch dẫn tới việc còn một số hộ dân vẫn chưa mặn mà với Dự án, công chăm sóc cũng mất nhiều hơn so với cây keo dễ khiến nhiều hộ còn cảm thấy e dè. Trong thời gian tới xã sẽ quyết tâm hơn trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia Dự án, thay đổi giống cây trồng sang cây quế sẽ là bước đi hiệu quả giúp bà con ổn định kinh tế và phát huy tối đa lợi thế kinh tế rừng...