Trên toàn tỉnh hiện mới có 9 cơ sở giết mổ động vật (GMĐV) được cơ quan chức năng kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y. Trong khi đó 1.167 hộ kinh doanh GMĐV tự phát đang đứng ngoài sự quản lý của Nhà nước. Thực trạng này dấy lên lo lắng về tình trạng mất an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thịt động vật tươi sống không qua kiểm dịch, nhất là trong thời điểm có bệnh xuất hiện trên đàn gia súc.
Trong số 9 GMĐV được cơ quan chức năng kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y có 2 cơ sở GMĐV tập trung là Công ty cổ phần Hương Nguyên Thịnh, xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên) và Công ty thực phẩm Cầu Mây, xã Xuân Phương (Phú Bình); còn lại 7 cơ sở GMĐV nhỏ lẻ, tạm thời theo Quy định số 2075/QĐ-UBND của UBND tỉnh, ban hành ngày 7/7/2017, trong đó T.X Phổ Yên 1 cơ sở; T.P Thái Nguyên 4 cơ sở; huyện Đại Từ 2 cơ sở. Trung bình mỗi ngày 9 cơ sở GMĐV này làm thịt 637 con lợn, gia cầm và thỏ. Chị Đinh Thị Nhài, cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y T.P Thái Nguyên chia sẻ: Với các cơ sở GMĐV được cấp phép, để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, chúng tôi thực hiện kiểm soát từng con vật từ lúc cơ sở nhập về, như: Xuất xứ nguồn gốc, đo thân nhiệt, lấy mẫu phẩm để xác định “tình trạng sức khỏe”, rồi trực tiếp chứng kiến việc các thợ giết thịt con vật.
Tuy nhiên, số cơ sở GMĐV được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động là quá thấp so với con số 1.167 hộ kinh doanh GMĐV tự phát đang đứng ngoài sự quản lý của Nhà nước. Tình trạng này gây ra nhiều khó khăn cho các cơ sở GMĐV được cơ quan chức năng cấp phép. Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, chủ cơ sở GMĐV ở tổ 15, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) cho biết: Được Nhà nước cấp phép hoạt động, nhưng chúng tôi phải đối diện với rất nhiều khó khăn, khi hằng ngày cạnh tranh thị phần với các cơ sở GMĐV nhỏ lẻ tự phát, không có giấy phép đăng ký hoạt động với Nhà nước. Cũng vì thế mà số lượng lợn được giết mổ không ổn định, xê dịch trung bình từ 900 con đến hơn 1.000 con/tháng. Bà Hoàng Trung Thu, Giám đốc Công ty cổ phần Hương Nguyên Thịnh, xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên) cho hay: Công ty có năng lực giết mổ bình quân 500 con lợn/ngày, nhưng hiện chỉ thực hiện giết mổ được từ 20 đến 30 con lợn/ngày (đạt 5% công suất thiết kế). Theo đà này Công ty sẽ vỡ nợ, phá sản vì không cạnh tranh được với cơ sở GMĐV tự phát.
Thực tế thì đã từ rất lâu, việc quản lý GMĐV đã được các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm. Điều đó thể hiện bằng việc Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và tỉnh đã ban hành nhiều những quyết định, quy định, chỉ thị, văn bản hướng dẫn về công tác kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y, nhưng chưa thu được hiệu quả như mong muốn. Ông Ngô Danh Thùy, Phó trưởng phòng Kinh tế T.P Thái Nguyên chia sẻ: Riêng địa bàn T.P Thái Nguyên có tổng số 180 cơ sở, hộ kinh doanh GMĐV đang hoạt động trên địa bàn, thì có 175 cơ sở đứng ngoài sự quản lý của Nhà nước, chiếm 97,2%. Việc kiểm soát GMĐV khó thực hiện vì chính quyền cấp xã chưa thực sự vào cuộc. Còn với cấp huyện, thành, thị khi thực hiện kiểm tra, phải thành lập đoàn liên ngành. Một điểm khó nữa là hầu hết các cơ sở GMĐV đều được thực hiện ngoài giờ làm việc, và họ thực hiện vào lúc nửa đêm về sáng, rất khó khăn trong công tác xử lý vi phạm.
Khó khăn trong kiểm soát GMĐV dấy lên lo lắng về tình trạng mất an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thịt động vật tươi sống không qua kiểm dịch, nhất là trong thời điểm có bệnh xuất hiện trên đàn gia súc. Ông Mai Tuấn Anh, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh (Chi Cục Chăn nuôi và Thú y) băn khoăn: Với thực trạng giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm như hiện nay, chúng tôi lo lắng đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm; dịch bệnh động vật có thể bùng phát, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.