Vươn lên thoát nghèo từ mô hình kinh tế tổng hợp

16:08, 02/01/2019

Với sự năng động, nhạy bén, ông Nguyễn Văn Huấn (sinh năm 1960), ở xóm Chãng, xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên) đã vươn lên làm giàu từ trồng rừng, kết hợp trồng cây ăn quả và phát triển chăn nuôi, góp phần giải quyết việc làm cho một số lao động địa phương.

Đi giữa màu xanh bạt ngàn của cây rừng, vườn cây ăn quả sai lúc lỉu, nhìn lại thành quả lao động sau hơn 20 năm nỗ lực của ông Huấn, chúng tôi không khỏi cảm phục trước ý chí vươn lên thoát nghèo của gia đình ông.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Huấn cho biết: Ở thời điểm năm 1990, tuy đất đồi nhiều nhưng người dân chúng tôi vẫn loay hoay chưa biết đưa cây gì vào trồng cho phù hợp nên quanh năm làm nông nghiệp vất vả mà vẫn không đủ ăn. Năm 1993, sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, tôi đã quyết định cải tạo hơn 2ha đất đồi để trồng keo. Tuy nhiên, trồng keo phải mất 6-7 năm mới cho thu hoạch, do đó trong những năm đầu trồng rừng, tôi đã đưa cây sắn cao sản vào trồng để có thêm nguồn thu nhập. Thời gian đầu việc trồng rừng còn gặp nhiều khó khăn song qua các năm, kinh nghiệm dần được tích lũy và được tập huấn kỹ thuật nên diện tích rừng của gia đình đảm bảo sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện nay, đầu ra cho các sản phẩm cây rừng tại địa phương cũng được mở rộng hơn rất nhiều khi các cơ sở chế biến lâm sản ngày càng phát triển. Với hơn 2ha keo chuẩn bị cho thu hoạch, dự kiến thời gian tới, gia đình ông có nguồn thu nhập trên 150 triệu đồng.

Không chỉ dừng lại ở việc trồng rừng, ông Huấn còn cải tạo hơn 1ha đất vườn đồi để đưa vào trồng một số loại cây ăn quả như: bưởi Diễn, ổi, táo… cho thu nhập khá. Sở dĩ ông chọn các loại cây trồng này vì vốn đầu tư không quá lớn, chăm sóc không quá khó, chỉ cần chịu khó tìm hiểu, học hỏi là có thể mang lại hiệu quả. Sau hơn 5 năm duy trì diện tích cây ăn quả, ông Huấn cho rằng, trồng loại cây này quan trọng nhất là cách nhận biết và phòng trị sâu bệnh cho cây trồng. Đặc biệt ở thời điểm cây ra hoa kết trái, người trồng cần theo dõi thường xuyên để bổ sung loại phân bón phù hợp nhằm kích thích cây ra hoa, đậu quả.

Riêng đối với cây bưởi Diễn, sau khi thu hoạch, ông Huấn thường chăm bón cho cây bằng các loại phân bón hữu cơ, giữ ẩm và cắt, tỉa cành để tạo điều kiện cho cây phát triển ở vụ sau. Với tinh thần lao động không ngừng nghỉ, những năm gần đây, ông cũng tận dụng lợi thế vườn đồi để nuôi ong, đào ao nuôi thả cá, chăn nuôi hơn 500 con vịt sinh sản, mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Bằng sự nỗ lực, ham học hỏi của mình, ông Huấn đã hình thành mô hình kinh tế cho thu nhập hơn 500 triệu đồng mỗi năm, nhờ đó cuộc sống gia đình thêm khấm khá. Mô hình của gia đình ông cũng góp phần giải quyết việc làm cho 3-5 lao động địa phương với thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/người/tháng.

Ông Huấn chia sẻ thêm: Diện tích đất đai rộng là một lợi thế, nhưng quan trọng là phải biết đưa cây, con gì vào nuôi trồng cho phù hợp với đồng đất quê hương. Ngoài ra, việc thường xuyên tìm hiểu thị trường cũng rất quan trọng, bởi khi biết được nhu cầu của thị trường thì việc sản xuất mới mang lại hiệu quả bền vững.

Ông Ôn Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận khẳng định: Là địa phương có lợi thế về đồi rừng, do vậy những năm gần đây, xã Phúc Thuận có nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, tuy nhiên điển hình phải kể đến gia đình ông Nguyễn Văn Huấn. Với sự năng động, nhạy bén của mình, từ một hộ khó khăn của xã, ông đã nỗ lực vươn lên làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp. Thực tế cho thấy, mô hình kinh tế của gia đình ông Huấn đang là hướng đi hiệu quả, thiết thực rất đáng để người dân trong xã học hỏi, nhân rộng để nâng cao thu nhập.