Chương trình 135 là chương trình nhằm Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi. Năm 2018, nhiều người dân ở các xã vùng sâu vùng xa của huyện Đồng Hỷ phấn khởi bởi một số công trình xây dựng từ Chương trình này đã được đưa vào sử dụng, giúp cuộc sống của bà con có những đổi thay đáng kể.
Để ghi nhận hiệu quả mà chương trình 135 đem lại, chúng tôi đã đến một số địa phương được hưởng lợi vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Đón chúng tôi tại UBND xã Tân Long, ông Lăng Viết Thắng, Bí thư Đảng ủy xã nói ngay: Lần này các chị lên đây nhất định phải đến thăm cây cầu vượt suối ở xóm Đồng Mây mới được huyện Đồng Hỷ đầu tư 1,3 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình 135 nhé. Bà con ở các xóm bên trong phấn khởi lắm vì từ nay không còn nỗi lo bị cô lập mỗi khi nước suối dâng cao nữa.
Vậy là chúng tôi lên đường, cho xe chạy qua khoảng chục con dốc cao thì đến xóm Đồng Mây. Hình ảnh cây cầu mới có chiều dài 21m, rộng 3m bắc cao qua con suối dài bên dưới hiện ra trước mắt khiến chúng tôi cảm thấy vui lây với bà con nơi đây. Còn nhớ vào mùa mưa năm 2017, khi chúng tôi đi đến đập tràn của con suối này đã phải ngậm ngùi quay xe trở ra mà không thể đi tiếp vào các xóm ở sâu bên trong. Dòng suối nhỏ không thoát kịp nước từ đầu nguồn đổ về khiến con đập duy nhất bắc qua suối bị ngập sâu cả mét, nước cuồn cuộn chảy, chính quyền xã phải cử người đứng ở đầu con đập để cảnh báo người dân, kiên quyết không cho ai liều mình vượt suối.
Người dân ở đây cho biết, phía bên kia đập tràn, đi sâu vào bên trong những dãy núi còn có 5 xóm của xã gồm: Đồng Luông, Đồng Mây, Làng Giếng, Hồng Phong, Lân Quan. Mỗi khi mùa mưa đến, nước ở con đập dâng lên thì gần 800 hộ dân ở những xóm này hầu như bị cô lập bởi đây là con đường duy nhất để ra xã. Hôm nào nước rút nhanh thì cũng mất 1 ngày, lâu thì phải 2-3 ngày khiến việc đi lại của bà con và việc đến trường của các cháu nhỏ gặp nhiều khó khăn. Người dân rất mong xây dựng được cây cầu bắc qua suối nhưng không ai dám nghĩ đến chuyện góp công, góp của để xây cầu vì đồng bào chủ yếu là dân tộc thiểu số, sinh sống tại các vùng núi cao, lo cái ăn hàng ngày còn vất vả.
Nhưng đó là câu chuyện của 2 năm trước, còn bây giờ, khi nguồn vốn của chương trình 135 được đưa về đây thì mơ ước của bà con đã thành hiện thực. Hôm chúng tôi đến xóm, người dân nơi đây tíu tít chia sẻ niềm vui, bà Hoàng Thị Hợi, ở xóm Đồng Mây cho biết: Có cây cầu này từ nay mùa mưa đến bà con không phải lo nữa. Mừng nhất là đám trẻ con không phải nghỉ học vì đập tràn bị ngập. Dân bản biết ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm.
Chia tay bà con ở xã Tân Long, chúng tôi đến với cô và trò Trường Tiểu học Cây Thị, xã Cây Thị. Năm học 2018-2019, công trình xây dựng nhà lớp học 2 tầng với 6 phòng học có kinh phí đầu tư trên 2,6 tỷ đồng, trích từ nguồn vốn của chương trình 135 được đưa vào sử dụng đã giúp cho việc giảng dạy, học tập của cô và trò nơi đây đỡ vất vả hơn nhiều so với trước kia.
Dẫn chúng tôi đi thăm các phòng học còn thơm mùi sơn mới được giữ gìn, trang trí sạch, đẹp, cô giáo Trần Thị Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cây Thị cho biết: Toàn trường hiện có 16 lớp, 365 học sinh. Trước kia những phòng học này chưa được xây dựng, học sinh trong trường phải học trong các phòng học cấp 4 bị xuống cấp, không đảm bảo cho việc giảng dạy, học tập. Ngoài ra, Nhà trường cũng không có các phòng học riêng cho các môn học năng khiếu. Sau khi được đầu tư xây thêm 6 phòng học mới, điều kiện giảng dạy, học tập của học sinh trong trường đã được cải thiện đáng kể. Hiện nay, nhà trường dành 3 phòng học mới cho học sinh khối lớp 1 và 3 phòng cho các môn học Tiếng Anh, Âm nhạc và Tin học.
Cây cầu vượt suối ở xóm Đồng Mây và công trình nhà lớp học 2 tầng Trường Tiểu học Cây Thị chỉ là 2 trong số rất nhiều công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Đồng Hỷ được đầu tư từ nguồn vốn của chương trình 135 đã phát huy hiệu quả. Ông Dương Tiến Cường, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đồng Hỷ cho biết: Từ nguồn vốn của chương trình 135, năm 2018, huyện đã khởi công mới 14 công trình cơ sở hạ tầng với tổng mức đầu tư gần 9,7 tỷ đồng tại các xã miền núi còn nhiều khó khăn như: Văn Lăng, Cây Thị, Tân Long, Quang Sơn…
Để nguồn vốn đầu tư nhanh chóng phát huy hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện cho bà con được hưởng lợi từ nguồn đầu tư của Nhà nước, huyện Đồng Hỷ đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng ban, ngành, đoàn thể. Chủ động sâu sát trong quá trình chỉ đạo, thực hiện với phương châm công khai, minh bạch, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, phân cấp giao quyền cho xã làm chủ đầu tư.
Với đặc điểm ở các xã miền núi là có địa hình chia cắt, núi cao, đường đi lại khó khăn nên Đồng Hỷ đã tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng đường bê tông cho các xóm vùng khó, qua đó giúp các địa phương mở mang giao thương kinh tế giữa các vùng, góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn. Hầu hết các công trình được hoàn thành với tiến độ nhanh, đảm bảo chất lượng. Đến thời điển hiện nay, hầu hết các xóm vùng 135 trên địa bàn huyện đều có đường xe máy đi lại thuận tiện, hệ thống trường học được cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại học tập của học sinh. Hệ thống thủy lợi từng bước hoàn thiện, đảm bảo tưới tiêu hiệu quả cho các cánh đồng…
Trong thời gian tới, huyện Đồng Hỷ sẽ tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch của năm theo phương án trình phê duyệt, đảm bảo đúng tiến độ các hợp phần hỗ trợ. Trong đó, chú trọng đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi nhằm tạo đà cho việc phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống đối với những vùng khó khăn trên địa bàn huyện.