Khởi sắc những làng nghề

08:03, 02/02/2019

Nếu có dịp đến thăm Làng nghề gỗ mỹ nghệ Cẩm Trà, xã Trung Thành (T.X Phổ Yên) hẳn nhiều người sẽ bất ngờ với diện mạo nông thôn nơi đây. Làng quê sung túc, nhà cửa san sát và hầu hết xây theo lối biệt thự. Các tuyến đường đã đổ bê tông đến tận ngõ nhỏ, trục chính có nơi rộng đến 6-7m. Không khí sản xuất và buôn bán cũng khá tấp nập với nhiều cơ sở trưng bày đồ gỗ mỹ nghệ gắn với xưởng sản xuất ngay liền kề. Chỗ này đục, chỗ kia bào, nơi lại chuyên sản xuất con tiện, trụ cầu thang và hoành phi theo đơn đặt hàng.

Ông Ngô Tiến Dũng, Trưởng xóm khoe: Người dân Cẩm Trà phát triển nghề mộc từ khá lâu, đến năm 2011 thì chính thức được công nhận là làng nghề. Thời điểm thịnh vượng, cả xóm có hơn 200 hộ sản xuất với 2 hợp tác xã và 145 nhà xưởng, tạo việc làm ổn định cho hơn 700 lao động. Nay số lượng cơ sở có giảm do khó khăn về nguyên liệu và đầu ra sản phẩm nhưng sản xuất gỗ mỹ nghệ vẫn mang lại nguồn thu chính cho bà con. Nhiều hộ đầu tư nhà xưởng lớn với máy móc hiện đại và thuê nhân công có kỹ thuật chuyên làm cầu thang và con tiện chứ không dàn trải như trước. Ông Nguyễn Văn Ý, một trong những chủ xưởng sản xuất lớn ở Cẩm Trà nói: Nhà cửa, vật dụng trong nhà tôi có được cũng từ làm mộc cả. Thị trường đồ mộc giờ có thay đổi, khó khăn hơn đôi chút những cũng là cơ hội để chúng tôi tự sàng lọc và định hướng phù hợp hơn. Hai hợp tác xã của xóm là Trà Thịnh và Cẩm Trà giờ cũng sáp nhập thành một để thống nhất và tiện hoạt động.

Ở thôn Phú Cốc, xã Tân Phú từ lâu lại nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm. Sau nhiều năm thăng trầm cùng thị trường, làng nghề đã và đang có những tín hiệu khởi sắc trở lại. Năm 2016, T.X Phổ Yên triển khai mô hình hỗ trợ trồng dâu nuôi tằm tại Phú Cốc với hơn 50 hộ tham gia. Bà con được hỗ trợ con giống, vật tư phân bón và hướng dẫn quy trình kỹ thuật. Cụ thể là việc đưa các giống dâu mới như: VA-201, CB-07… vào thay thế giống cũ ở địa phương. Đồng thời, chuyển giao kỹ thuật canh tác mới gồm: Điều khiển nhiệt độ, độ ẩm, cách thu hái, bảo quản lá dâu để nuôi tằm con tập trung; chuyển nuôi từ tằm trên nong sang nuôi trên trên nền đất… Chị Lê Thị Hồng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Phú chia sẻ: Yếu tố chính để bà con tiếp tục gắn bó với nghề là thu nhập thì nay đã đạt được phần nào. Nếu so sánh với cây lúa thì trồng dâu cho thu nhập cao hơn khá nhiều, khoảng 200 triệu đồng/ha/năm. Hộ nào kết hợp trông dâu với nuôi tằm lấy kén và nhộng thì hiệu quả còn cao hơn nữa.

Gia đình bà Nguyễn Thị Minh, ở thôn Phú Cốc đã trồng dâu, nuôi tằm được gần 20 năm. Sự kiên trì gắn bó với nghề giúp gia đình đạt thành quả nhất định. Bà bảo: Người xưa có câu “nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, nghĩa là nghề nuôi tằm không hề nhàn hạ mà đòi hỏi phải bỏ nhiều công chăm chút tỉ mỉ nhưng bù lại cho thu nhập khá. Vì thế mới lại có câu “nuôi lợn cả năm không bằng nuôi tằm một tháng”. Thôn Phú Cốc nói riêng và xã Tân Phú nói chung là nơi đất chật người đông, nhiều gia đình chỉ có một vài sào ruộng nên phát triển thêm các nghề có ý nghĩa rất quan trọng. Trồng dâu nuôi tằm tuy là nghề phụ nhưng lại có thể cho nguồn thu chính. Chúng tôi kiên trì gắn bó với nghề truyền thống và rất mong nhận được hỗ trợ nhiều hơn nữa của cấp chính quyền và các đoàn thể.

Thực tế, việc phát triển các làng nghề đang giúp nhiều địa phương thuần nông trên địa bàn T.X Phổ Yên đa dạng hóa ngành nghề và tăng thu nhập cho người dân. Theo quy luật thị trường, những nghề kém hiệu quả, nhu cầu không cao dần thu hẹp hoặc phải điều chỉnh cho phù hợp. Điển hình như sản xuất mây tre đan tại thôn Hảo Sơn và Thù Lâm, xã Tiên Phong giờ đã không còn. Các làng nghè chè truyền thống ngày càng phát triển với tổng số gần 30 làng nghề đã được công nhận. Ông Ôn Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận nói: Hiện, trên địa bàn xã có 11 làng nghề. Tất cả đều là trồng và chế biến chè. Việc được công nhận làng nghề giúp bà con gắn kết hơn trong sản xuất, có ý thức xây dựng và giữ gìn thương hiệu, từ đó giúp nâng cao thu nhập.

Có thể thấy, các làng nghề trên địa bàn T.X Phổ Yên đã và đang có đóng góp quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế nông thôn. Trên cơ sở đó, thị xã đang tập trung định hướng và hỗ trợ các làng nghề theo hướng bền vững. Cụ thể là tăng cường hỗ trợ về vốn, trang thiết bị và khoa học kỹ thuật; định hướng thị trường, gắn kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, Phổ Yên cũng quan tâm bảo vệ môi trường ở các khu vực làng nghề và thực hiện thí điểm một số mô hình làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng.