Tập đoàn An Khánh tự tin chinh phục đỉnh cao mới

22:59, 04/02/2019

Nếu phải tìm một doanh nghiệp tiêu biểu của tỉnh trong những năm gần đây thì có lẽ An Khánh là cái tên mà người ta sẽ nghĩ đến nhiều nhất. Trải qua 11 năm xây dựng và trưởng thành, mặc dù đây chưa phải là quãng thời gian đủ dài để có thể đánh giá về những thành công của một Tập đoàn kinh tế. Song những kết quả mà An Khánh cùng người đứng đầu đã và đang gặt hái được bằng nội lực và trí tuệ đã là minh chứng hiện thực thuyết phục nhất cho mọi quan điểm đánh giá dù khắt khe đến mấy.

An Khánh là Tập đoàn kinh tế tư nhân lớn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hoạt động trong các lĩnh vực: Sản xuất và kinh doanh điện; khai thác chế biến khoáng sản; xây dựng công trình giao thông; bất động sản và đầu tư tài chính... Hiện các công ty thành viên của Tập đoàn An Khánh đang triển khai các dự án với quy mô lớn trên nhiều lĩnh vực, hứa hẹn đóng góp về giá trị sản xuất công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, kinh tế xã hội và làm thay đổi diện mạo đô thị tại Thái Nguyên.

Khẳng định vai trò với dự án gây tiếng vang đầu tiên là Nhà máy Nhiệt điện An Khánh - Thái Nguyên, công suất 120MW vốn đầu tư 4.660 tỷ đồng, Dự án được chú ý đặc biệt bởi đây là dự án nhiệt điện đầu tiên thuộc nhóm A do Chính phủ quản lý giao cho một doanh nghiệp tư nhân đảm nhiệm. Hoàn thành đúng tiến độ, sau khi đưa vào vận hành thương mại từ năm 2015, nhà máy đã cung cấp cho thị trường mỗi năm trên 800 triệu kWh điện, góp phần ổn định an ninh năng lượng quốc gia. Với 2 tổ máy hoạt động, Nhà máy Nhiệt điện An Khánh I đang vận hành hết công suất theo kế hoạch đề ra. Nhà máy đang giải quyết việc làm ổn định và thường xuyên cho trên 500 lao động, trong đó phần lớn là lao động địa phương. Thu nhập bình quân người lao động đạt trung bình khoảng 9 triệu đồng/người/tháng, cao hơn một số đơn vị, doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực. Với sản lượng lớn, doanh thu cao, Công ty đang đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, sự xuất hiện của Nhiệt điện An Khánh đã giúp gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp nội địa của tỉnh, góp phần tạo môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy thu hút đầu tư vào địa phương. Năm 2016, Chính phủ tin tưởng, tín nhiệm tiếp tục giao cho Tập đoàn thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang có công suất 650 MW, tổng vốn đầu tư trên 20 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, Dự án do Công ty CP Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang thực hiện với tiến độ rất khẩn trương và sẽ phấn đấu hoàn thành vào năm 2022.

Gặp gỡ trò chuyện với cán bộ, công nhân viên của An Khánh, chúng tôi nhận thấy ai cũng hồ hởi phấn khởi bởi sự phát triển bền vững của đơn vị. Nhiều công nhân cho biết: Có được sự phát triển như hôm nay không thể không nhắc đến vai trò của vị Chủ tịch Hội đồng quản trị ông Nguyễn Văn Thắng – một con người năng động, quyết đoán, luôn biết phát huy sức mạnh đoàn kết, năng lực của từng cán bộ, công nhân viên cho việc chung. Bên chén trà xuân nóng hổi, họ kể cho nhau nghe một câu chuyện mới gây rung động giới đầu tư khi Công ty Núi Pháo giành phần thắng trong thương vụ Công ty TNHH Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo - công ty con của Masan Tài nguyên vừa mua lại 49% cổ phần của đối tác Cộng hòa liên bang Đức trong liên doanh để sở hữu 100% cổ phần tại Công ty liên doanh TNHH Tinh luyện Vonfram Núi Pháo - H.C.Starck và sở hữu Nhà máy chế biến Vonfram công nghệ cao hàng đầu thế giới. Dự án Núi Pháo là dự án khai khoáng tầm cỡ thế giới với trữ lượng Vonfram lên tới khoảng 21 triệu tấn. Nhưng ít người biết từ năm 1996 ông Thắng đã phải đi vận động, thuyết phục từ các cơ quan chức năng, tới từng người dân để đặt được mũi khoan đầu tiên. Bao nhiêu trí lực, tài lực, sức lực ông Thắng đổ hết vào đó. Có thời điểm dự án gặp khó khăn, được ví như “khúc xương khó nhằn”, nhiều tổ chức tài chính quốc tế với tiềm lực hùng mạnh sau một thời gian đầu tư vào Núi Pháo đã phải “bán lúa non”, dứt áo ra đi. Từ vị thế là một cổ đông nhỏ nắm giữ 15% cổ phần, ông Thắng đã lật ngược thế cờ khi bắt tay liên doanh với Tập đoàn Masan, một trong những Tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam. Nhờ thế, năm 2010 dự án Núi Pháo được tái khởi động, với nguồn vốn đầu tư trên 600 triệu USD, triển khai bằng công nghệ khai thác và chế biến quặng đa kim tiên tiến, một công nghệ hoàn toàn mới ở Việt Nam. Đến nay, dự án Núi Pháo đã mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Kết thúc năm 2018, Tập đoàn An Khánh và Núi Pháo đạt doanh thu 10.000 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 1.234 tỷ đồng. Ngân sách tỉnh gần 1.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho 3.500 lao động địa phương. Ngoài giúp nâng cao vị thế của Công ty Núi Pháo trên bản đồ cung cấp Vonfram thế giới, Dự án Núi Pháo còn góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu nội địa cho Thái Nguyên với trên 300 triệu USD/năm, chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu nội địa của tỉnh.

Qua những tháng năm miệt mài phấn đấu, nỗ lực của Tập đoàn An Khánh và cá nhân ông Nguyễn Văn Thắng đã được Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành Trung ương, địa phương ghi nhận tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Năm 2018, Công ty cổ phần Nhiệt điện An Khánh được UBND tỉnh tiếp tục tôn vinh là Doanh nghiệp xuất sắc, tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh. Công ty Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo được tặng Cờ thi đua của Chính Phủ. Với cương vị là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhiệt điện An Khánh, đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo; Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH hóa chất Vonfram Masan, ông Nguyễn Văn Thắng được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen có thành tích trong việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của BCH Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Tỉnh ủy tặng Bằng khen trong thực hiện Nghị quyết TW7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2008-2018; Cúp vàng Doanh nhân tiêu biểu… Đó là vinh dự lớn lao đối với tập thể và cá nhân Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Văn Thắng; là động lực để tập thể cán bộ, công nhân viên Tập đoàn An Khánh vững bước trên con đường mình đã lựa chọn.