Kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm là khâu quan trọng nhằm bảo đảm cung cấp thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng. Hiện nay, toàn tỉnh mới chỉ có 2 cơ sở giết mổ động vật tập trung, 7 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ được cấp phép và có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y, còn lại trên 1.150 hộ, điểm giết mổ động vật nhỏ lẻ không theo quy định. Tuy nhiên, hoạt động của các cơ sở giết mổ động vật được cấp phép vẫn còn nhiều khó khăn.
Ông Trịnh Hữu Dũng, chủ cơ sở giết mổ gia cầm nhỏ lẻ ở tổ 9, phường Tân Lập (T.P Thái Nguyên) cho biết: Gia đình tôi hiện đang cung cấp thịt gà cho 18 bếp ăn tập thể trên địa bàn T.P Thái Nguyên, có đầy đủ nguồn gốc xuất xứ gà. Mỗi ngày, gia đình tôi có thể giết mổ từ 500-1.000 con nhưng hiện chỉ đạt 300-400 con. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát tình trạng giết mổ động vật tự phát và quản lý tốt giấy kiểm soát giết mổ. Còn bà Đào Thị Hảo, chủ cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ ở thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) thì chia sẻ: Trung bình, mỗi ngày nhà tôi giết mổ từ 15-20 con lợn. Với quy trình giết mổ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thịt khi đưa ra thị trường đã qua kiểm dịch của cơ quan chức năng nhưng chúng tôi cũng chưa tiếp cận được bếp ăn tập thể các trường học trên địa bàn.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trong 9 cơ sở giết mổ động vật tập trung, nhỏ lẻ, chỉ có cơ sở giết mổ Trương Hà Nhi, ở chợ Gốc Bàng, xã Sơn Cẩm (T.P Thái Nguyên) phải tạm ngừng hoạt động do thiếu đầu ra, còn lại, đa phần các cơ sở đều đầu tư kinh phí, được các cấp chính quyền ngành chức năng cấp các loại giấy tờ liên quan trong lĩnh vực giết mổ theo quy định, tuy nhiên, mới chỉ hoạt động được 5-10% công suất thiết kế. Các cơ sở giết mổ tập trung không có đầu ra ổn định và khó cạnh tranh với các cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ, tự phát. Bên cạnh đó, chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động giết mổ, kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm chưa đồng bộ, hiệu quả. Mặt khác, do thói quen của người tiêu dùng còn dễ dãi, chấp nhận sản phẩm giết mổ không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đã góp phần “tiếp tay” cho sự tồn tại của các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ tự phát ở các địa phương. Ngoài ra, sự vào cuộc của cấp chính quyền địa phương cơ sở chưa quyết liệt, chưa chú trọng triển khai quy hoạch giết mổ; thiếu chỉ đạo, kiểm tra xử lý vi phạm trong quản lý giết mổ, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm động vật không đảm bảo vệ sinh thú y, mất an toàn thực phẩm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đắc Vinh, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y cho rằng: Việc đưa gia súc, gia cầm vào điểm giết mổ tập trung sẽ tạo điều kiện để cơ quan chức năng kiểm soát dịch bệnh, kiểm tra về chất lượng thịt, từ đó, tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn, chất lượng cung cấp đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, để các cơ sở giết mổ động vật tập trung hoạt động hiệu quả, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ động vật nhỏ lẻ, tự phát. Đồng thời, ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý theo phân cấp; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, có lộ trình và giải pháp đưa các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và môi trường vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung.
Trước những kiến nghị, đề xuất của các cơ sở giết mổ động vật tập trung, ngày 5/6/2019, các sở: Nông nghiệp - PTNT; Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính; Tài Nguyên - Môi trường đã thống nhất ban hành văn bản hướng dẫn về trình tự, thủ tục, hồ sơ đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ động vật, chi phí vận chuyển, giết mổ, phí kiểm soát giết mổ tại cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn tỉnh. Tiếp đó, ngày 19/8/2019, Chi cục Chăn nuôi - Thú y cũng đã có văn bản hướng dẫn việc xây dựng cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ.
Có thể thấy, thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, một số cá nhân, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng để lắp đặt dây chuyền, nhà xưởng giết mổ động vật hiện đại nhưng lại hoạt động cầm chừng, rất lãng phí. Vì vậy, việc đưa ra giải pháp nhằm hỗ trợ các lò giết mổ tập trung hoạt động hiệu quả, đảm bảo an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị liên quan.