Thái Nguyên, vùng đất giàu truyền thống cách mạng, là cửa ngõ kết nối quan trọng của các tỉnh vùng Đông Bắc với Thủ đô Hà Nội. Trong quá trình phát triển, đặc biệt là nhiệm kỳ qua, Thái Nguyên đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tạo bước đi vững chắc trong phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định vị thế quan trọng của một tỉnh trung tâm vùng và cực tăng trưởng Bắc Thủ đô Hà Nội.
Năm 2015, khi bắt đầu bước vào nhiệm kỳ mới, nhiều chỉ tiêu phát triển của tỉnh cần phải nỗ lực phấn đấu mới có thể đạt được. Với khí thế thi đua sôi nổi, tinh thần quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị đề ra. Những kết quả đó có thể tóm lược qua những thành tựu nổi bật của tỉnh:
Tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Hoạt động của HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều đổi mới tích cực. Công tác điều hành của UBND các cấp tiếp tục được đổi mới theo hướng cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả.
19/19 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, nổi bật như tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 11,1%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 ước đạt trên 800 nghìn tỷ đồng; giá trị xuất khẩu trên địa bàn tăng bình quân 13,1%/năm.
Đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm quan xưởng sản xuất của Nhà máy Z131 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng). Ảnh: T.L
Thái Nguyên đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường thu hút đầu tư với tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 đạt 238 nghìn tỷ đồng. 100% cơ quan nhà nước của tỉnh đã thực hiện liên thông văn bản điện tử được tích hợp chữ ký số, các thủ tục hành chính được cập nhật thường xuyên trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia của Chính phủ.
Diện mạo đô thị, kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật có nhiều khởi sắc. Hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư. Các dự án nâng cấp đô thị T.P Thái Nguyên, các dự án phát triển các khu dân cư, khu đô thị được đẩy mạnh.
8 chương trình, 16 đề án và 20 dự án, công trình trọng điểm trong nhiệm kỳ cơ bản được thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt, dự án tôn tạo, phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm lưu niệm 60 TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái hoàn thành đã trở thành “Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ; công trình Quảng trường Võ Nguyên Giáp trở thành công trình văn hóa tiêu biểu nằm trong quần thể các thiết chế văn hóa đặc sắc của tỉnh.
Đến năm 2020, toàn tỉnh có 103 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 3/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 01 đơn vị cấp huyện có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 09 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, vượt 06 xã so với mục tiêu. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng khá; giá trị sản xuất tăng bình quân 4,5%/năm. Nhiều vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa tập trung, chuyên canh, quy mô lớn được hình thành. Giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt năm 2020 đạt 103 triệu đồng. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã thúc đẩy phát triển, nâng cao giá trị kinh tế cho hơn 170 sản phẩm đặc trưng của các địa phương.
Đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao quà cho nhân dân trong xóm Cao Biền, xã Phú Thượng (Võ Nhai) nhân Lễ khánh thành Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tại địa điểm Trạm biến áp Cao Biền. Ảnh: M.H
Văn hoá xã hội phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo. Hệ thống giáo dục, đào tạo phát triển vượt bậc. Hàng năm tạo việc làm tăng thêm bình quân cho trên 21.500 lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,1% năm 2020. Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân được quan tâm. Đặc biệt năm 2020, Thái Nguyên là một trong những tỉnh thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19
Quốc phòng, an ninh, trật tự được củng cố và tăng cường. Thái Nguyên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh. Thực hiện có hiệu quả đề án xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, đề án xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ tỉnh. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững.
Hoạt động đối ngoại được mở rộng, củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực giữa tỉnh với các địa phương trong và ngoài nước. Kinh tế đối ngoại không ngừng được đẩy mạnh. Văn hóa đối ngoại và thông tin đối ngoại được triển khai thực hiện chủ động và tích cực. An ninh đối ngoại của tỉnh cơ bản được bảo đảm.
Công tác xây dựng Đảng tiếp tục được thực hiện hiệu quả trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Các lĩnh vực Tuyên giáo, kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, công tác dân vận, nội chính được các cấp ủy đảng quan tâm chỉ đạo, chất lượng, hiệu quả được nâng lên.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại như: Tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hiệu quả thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn thấp; phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thương hiệu mạnh, giá trị gia tăng cao còn hạn chế. Các khu đô thị chưa đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch được duyệt. Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, sản phẩm du lịch chưa phong phú. Việc ưu tiên cho những vùng trọng điểm, có sức lan tỏa lớn chưa được ưu tiên một cách đúng mức. Đời sống một bộ phận người dân ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn.
Mặc dù sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, song với quyết tâm cao nhất, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu, nhiệm kỳ 2020-2025: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân từ 8%/năm trở lên; cơ cấu kinh tế đến năm 2025, công nghiệp, xây dựng 61%; dịch vụ 31%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 8%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân từ 9%/năm trở lên; giá trị xuất khẩu trên địa bàn tăng bình quân 7%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 150 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân (theo chuẩn mới) từ 1% trở lên... Đây là những chỉ tiêu đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và vai trò của UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, điều hành.
Tính đến cuối tháng 9-2020, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đã sản xuất và tiêu thụ gần 600 nghìn tấn thép cán, đạt trên 70% so với kế hoạch năm. Ảnh: P.T
Để đạt được những chỉ tiêu này, tỉnh ta tập trung vào 05 định hướng lớn, cụ thể: Phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực phía Nam của tỉnh; ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư; phát triển hạ tầng giao thông và khu công nghiệp gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội. Chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, công nghệ cao; khuyến khích hình thành những cụm ngành, cụm sản xuất có sự tương quan trong cùng lĩnh vực làm tiền đề, cơ sở kết nối chuỗi sản xuất, chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy hành chính các cấp; đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính; rèn luyện kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là đạo đức công vụ. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực địa phương, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; phát huy các lợi thế, thành quả, cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với tiềm năng, thế mạnh của các trường đại học, trung tâm nghiên cứu khoa học, y tế trên địa bàn tỉnh; nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Phát triển tiềm năng du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng dân cư trên địa bàn tỉnh.
Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Thái Nguyên tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm quốc phòng, an ninh; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao toàn diện đời sống Nhân dân các dân tộc trong tỉnh; phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực Trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội.
Vũ Hồng Bắc
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh