Những năm gần đây, mạng lưới hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh được đầu tư khá mạnh, từng bước hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu đi lại, thông thương hàng hóa, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, ở một số vùng đặc biệt khó khăn, kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn hạn chế, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của người dân… Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn, đặc biệt là ở những vùng khó khăn, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Hà Huy Giang, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT).
P.V: Trước hết, ông đánh giá như thế nào về hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh hiện nay?
Ông Hà Huy Giang: Thái Nguyên là một tỉnh thuộc vùng trung du miền núi phía Bắc, trong những năm gần đây mạng lưới giao thông được quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại, kết nối tỉnh Thái Nguyên với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước góp phần phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, tại một số điạ phương vùng sâu, vùng xa thường bị chia cắt vào mùa mưa, do thiếu cầu dân sinh, đường giao thông chưa được cứng hóa. Đến năm 2011, toàn tỉnh mới có 1 xã đạt tiêu chí giao thông theo bộ tiêu chí nông thôn mới (NTM - đạt tỷ lệ 0,7% tổng số xã).
Mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có tối thiểu 70% số xã đạt chuẩn về GTNT. Như vậy, nhiệm vụ xây dựng hạ tầng GTNT để nâng tỷ lệ từ 0,7% lên 70% trong 10 năm là rất nặng nề, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực địa phương còn hạn chế, chính sách thắt chặt đầu tư công như hiện nay. Tuy nhiên, với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, tỉnh, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng mới, cải tạo, cứng hóa được hàng nghìn ki lô mét đường GTNT.
P.V: Theo ông, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh có sự thay đổi mạnh mẽ trong những năm gần đây là dựa vào những yếu tố nào?
Ông Hà Huy Giang: Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện đầu tư lồng ghép các nguồn vốn cho xây dựng đường GTNT, từ nguồn vốn 135. Đặc biệt, Chương trình xây dựng NTM, với chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm đã huy động được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân. Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Nhà nước đã hỗ trợ hàng chục vạn tấn xi măng, người dân hiến hàng vạn mét vuông đất, tự nguyện tháo dỡ công trình, đóng góp ngày công để làm đường bê tông...
Bên cạnh đó, tỉnh có các đề án riêng, như: Năm 2014 tỉnh triển khai thực hiện “Đề án phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020”, các đơn quan, đơn vị, chính quyền các địa phương đóng góp để xây dựng đổ bê tông 15 tuyến đường, với tổng chiều dài gần 70km vào các xóm có đồng bào dân tộc Mông đã giúp bà còn ở những xóm khó khăn này có đường đi lại thuận tiện, đẩy mạnh giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
Cùng với đó, năm 2016, Bộ GT-VT chấp thuận đầu tư 34/37 cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên với số kinh phí được cấp từ dự án LRAMP là 112,71 tỷ đồng. Kết quả triển khai đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh đến nay đã có 16 cầu hoàn thành và đưa vào sử dụng; 13 cầu đang được triển khai. Sở GT-VT đang tiếp tục đề xuất bổ sung 55 cầu vào dự án.
P.V: Hiện nay còn một số xóm đặc biệt khó khăn của tỉnh chưa được làm đường bê tông. Vậy, tỉnh có giải pháp gì để đầu tư cứng hóa đường giao thông vào những vùng này, thưa ông?
Ông Hà Huy Giang: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số tuyến đường vào các xóm đặc biệt khó khăn chưa được đầu tư, như: xóm Nác, xã Liên Minh; xóm Tân Lập, xã Sảng Mộc; xóm Thượng Kim, xã Thần Sa… (Võ Nhai). Nguyên nhân là để đầu tư xây dựng những tuyến đường này cần nguồn vốn rất lớn, lên đến hàng trăm tỷ đồng. Trong khi đó, những xóm trên nằm cách xa trung tâm xã, dân cư sinh sống phân tán, điều kiện kinh tế còn khó khăn nên việc đối ứng đổ bê tông đường giao thông của bà con là không khả thi. Vì vậy, Sở GT-VT tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh, Bộ GT-VT có các giải pháp về nguồn vốn đầu tư trong giai đoạn tiếp theo…
P.V: Xin cảm ơn ông!