Hàng chục năm nay, nhiều hộ dân ở thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) luôn có ý kiến đề nghị các cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho diện tích đất nông trường chè mà bà con sử dụng lâu nay. Bởi lẽ, sinh sống và canh tác trên diện tích đất không có GCNQSDĐ đã khiến người dân gặp nhiều khó khăn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, diện tích đất mà người dân đề nghị cấp GCNQSDĐ chính là đất trồng chè do Chi nhánh Chè Sông Cầu thuộc Tổng Công ty Chè Việt Nam quản lý (nay là Chi nhánh Tổng Công ty Chè Việt Nam - Vinatea Thái Nguyên). Diện tích đất này, năm 1995, Chi nhánh Chè Sông Cầu đã ký hợp đồng giao khoán cho người dân quản lý, chăm sóc và tiến hành thu mua sản phẩm chè cho bà con. Tuy nhiên, sau khi gặp nhiều biến động, làm ăn không hiệu quả, Chi nhánh Chè Sông Cầu hoạt động cầm chừng, dừng thu mua sản phẩm chè cho người dân. Toàn bộ diện tích đất giao khoán cho dù bà con vẫn sinh sống, canh tác ổn định nhưng đa phần chưa có GCNQSDĐ gây tâm lý hoang mang, không yên tâm sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống và phát triển kinh tế.
Chưa được cấp GCNQSDĐ không chỉ khiến cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn mà công tác quản lý Nhà nước của cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Đồng Hỷ nảy sinh nhiều bất cập. Việc triển khai thu hút đầu tư xây dựng các dự án, công trình công cộng trên địa bàn thời gian qua cũng khó thực hiện. Ông Nguyễn Quang Chung, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Cầu cho biết: Trong tổng diện tích khoảng 1.000ha đất tự nhiên của thị trấn thì có khoảng 300ha là đất do Chi nhánh Chè Sông Cầu quản lý. Việc Chi nhánh Chè Sông Cầu không hoạt động nhưng vẫn quản lý đất khiến cho địa phương luôn bị động trong việc thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn, hoặc khi xây dựng công trình công cộng đều rất khó khăn. Đơn cử như việc xây dựng nhà văn hóa Tổ dân phố số 5, Liên Cơ và Trường Mầm non Sông Cầu… cách đây vài năm, địa phương đều phải có văn bản đề nghị Chi nhánh Chè Sông Cầu tạo điều kiện. Hay như hiện nay, có doanh nghiệp đang muốn đầu tư xây dựng khu sản xuất, chế biến nước uống làm từ sản phẩm chè nhưng cũng chưa triển khai được vì vướng đất do Chi nhánh Chè quản lý.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Phạm Văn Bảy, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đồng Hỷ cho biết: Trên địa bàn huyện Đồng Hỷ có 2 đơn vị nông, lâm trường quốc doanh đang quản lý và sử dụng đất (với tổng diện tích khoảng 17.000ha), gồm: Chi nhánh Tổng Công ty Chè Việt Nam - Vntea Thái Nguyên và Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên. Trong đó, Chi nhánh Chè Sông Cầu quản lý khoảng 10.000ha, tập trung ở các địa phương như: Minh lập, Hóa Trung, Hóa Thượng, thị trấn Sông Cầu… Thực hiện chủ trương thu hồi đất nông, lâm trường giao cho các địa phương quản lý, thời gian qua, huyện Đồng Hỷ đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh triển khai thực hiện. Theo đó, đến nay, đã thu hồi được hơn 300ha. Tuy nhiên, đến hết ngày 31-7-2020, huyện mới chỉ cấp GCNQSDĐ được cho 851 hộ, với diện tích gần 97ha. Diện tích còn lại đang tiếp tục triển khai những vẫn còn nhiều vướng mắc trong khi thực hiện. Trên cơ sở ý kiến của người dân, huyện Đồng Hỷ sẽ tiếp tục đề nghị tỉnh có ý kiến với Chi nhánh Chè Sông Cầu sớm có quyết định trả đất ra để người dân ổn định cuộc sống.