Hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững

08:09, 15/12/2020

Thời gian qua, cùng với việc tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp, các sở, ngành, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh cũng triển khai các giải pháp nhằm khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã sản xuất theo chuỗi liên kết. Nhờ vậy, góp phần tăng giá trị, sức cạnh tranh cho nông sản, hướng tới sản xuất bền vững.

Vài năm trở lại đây, sản phẩm rau, củ, quả của Tổ hợp tác rau an toàn xóm Cậy, xã Huống Thượng (T.P Thái Nguyên) luôn được bày bán tại Siêu thị Minh Cầu và được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn. Bà Nguyễn Thị Minh, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chúng tôi có ghi chép đầy đủ quy trình canh tác, sản phẩm được cơ quan chuyên môn kiểm tra, giám sát và được dán tem truy xuất nguồn gốc. Giờ đây, chúng tôi yên tâm sản xuất mà không phải băn khoăn về đầu ra cũng như lo tư thương ép giá. Trung bình 1 ngày, chúng tôi cung cấp cho siêu thị Minh Cầu 700kg rau, củ, quả các loại theo mùa với giá bán cao hơn rau ngoài chợ khoảng 10%.

Trên đây chỉ là 1 trong số 52 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh, trong đó có 45 chuỗi chè, 4 chuỗi rau, 1 chuỗi thịt gà, 1 chuỗi thịt lợn và 1 chuỗi giò chả. Việc doanh nghiệp cùng người dân bắt tay liên kết sản xuất không chỉ tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng mà còn góp phần bình ổn thị trường, hạn chế những rủi ro cho người nông dân bởi những tác động từ các yếu tố khách quan.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, để thúc đẩy phát triển các mô hình, chuỗi liên kết, thời gian qua, các sở, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp, HTX bắt tay liên kết. Cụ thể, trung bình mỗi năm, Trung tâm Xúc tiến thương mại Thái Nguyên (Sở Công Thương) đã tổ chức cho các doanh nghiệp, HTX trong tỉnh tham gia trên 15 lượt hội chợ trong và ngoài tỉnh để quảng bá sản phẩm, tìm hiểu thị trường. Ngoài ra, Trung tâm còn tăng cường hoạt động quảng bá giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu qua hệ thống sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh...

Đặc biệt, đầu tháng 12 vừa qua, Sở Công Thương cũng đã tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa tỉnh Thái Nguyên với các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. Tại Hội nghị, đại diện các siêu thị như: BigC, Aloha, Minh Cầu… đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm với một số doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh.

Còn đối với Sở Nông nghiệp - PTNT cũng đã tham mưu cho tỉnh rà soát, ban hành các chính sách nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp, liên kết sản xuất; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo thế mạnh của từng địa phương gắn với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng thương hiệu nông sản. Sở đã tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật sản xuất rau, chè an toàn, hỗ trợ bao bì, nhãn mác sản phẩm; giám sát việc ký kết hợp đồng giữa bên sản xuất và bên tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...

Ông Dương Sơn Hà, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết: Các khâu từ sản xuất ban đầu đến thu gom chế biến và phân phối tiêu thụ sản phẩm đều được kiểm soát theo hợp đồng, có truy xuất nguồn gốc. Việc tạo ra các mặt hàng nông sản an toàn được quản lý theo chuỗi sẽ minh bạch được sản phẩm, tăng giá trị từ 15-20% so với sản phẩm khi chưa sản xuất theo chuỗi.

Có thể thấy, việc đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tạo ra những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là cần thiết để hướng đến nền sản xuất hàng hóa hiện đại, mang lại giá trị tăng cao. Tuy nhiên, để mối liên kết thực sự bền vững, các bên cần tuân thủ đúng các quy định đã ký kết trong hợp đồng hợp tác. Bà con nông dân không tự ý phá vỡ liên kết khi giá sản phẩm tăng đột biến, còn đối với doanh nghiệp cũng cần có giải pháp hỗ trợ bà con khi bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thời tiết…