Lãi suất ngân hàng và vấn đề lạm phát

10:18, 31/03/2021

Khoảng 1 tháng trở lại đây, nhiều ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất huy động và theo dự báo, từ nửa đầu quý II tới, lãi suất cho vay cũng sẽ được điều chỉnh tăng. Vậy, điều này sẽ tác động như thế nào đến lạm phát trong năm nay?

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Mậu Quý, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên phân tích: Việc tăng lãi suất huy động vào thời điểm này của nhiều ngân hàng g tôi cho rằng hoàn toàn phù hợp, thậm chí là cần thiết, mặc dù mức tăng không nhiều. Bởi suốt nhiều tháng qua, lãi suất huy động liên tục được điều chỉnh giảm, không đáp ứng được kỳ vọng của người gửi, đã khiến dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang kênh đầu tư khác như đất, chứng khoán. Điều này tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Vì thế, việc tăng lãi suất huy động sẽ góp phần làm hạn chế sự dịch chuyển này.

Còn trên thế giới, dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát tốt hơn nhờ có vắc-xin  tiêm phòng. Chính vì thế, nhiều nước đã và đang bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế, từ đó nhiều công ty, doanh nghiệp sẵn sàng lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh mới. Điều này làm tăng nhu cầu vốn tín dụng và dĩ nhiên, các ngân hàng không thể không tính đến phương án huy động thêm vốn ngay từ bây giờ, cho dù hiện tại, không ít ngân hàng vẫn trong tình trạng thừa vốn. Ông Hà Mậu Quý phân tích thêm: Mặc dù các ngân hàng đang bước vào đợt tăng lãi suất, song so với trước đây, mặt bằng lãi suất huy động vẫn đang ở mức tương đối thấp và dự báo mức lãi này vẫn sẽ được duy trì trong năm nay hoặc nếu có tăng cũng không đáng kể. Được biết, trên thị trường, hiện mức lãi suất huy động được áp dụng cao nhất khoảng 7%/năm ở kỳ hạn 12 tháng (các ngân hàng quy mô nhỏ áp dụng), còn các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước vẫn dưới 6%.

Còn theo đại diện lãnh đạo một số ngân hàng: Việc tăng lãi suất huy động thời điểm này được cho là dấu hiệu tích cực, đáng mừng hơn là đáng lo cho cả ngành ngân hàng và xã hội, bởi nó cho thấy, nền kinh tế trong nước đang ấm dần. Điều này cũng phần nào thể hiện ở việc dư nợ của nhiều ngân hàng bắt đầu tăng sau đợt giảm mạnh hồi ra Tết. Trước đó, trở lại với vấn đề lãi suất huy động liên tục được điều chỉnh giảm, nguyên nhân chính là do nguồn vốn rất khó cho vay ra. Cũng theo đại diện lãnh đạo một số ngân hàng, không nên nghĩ lạm phát là không tốt, mà ngược lại, với một đất nước đang phát triển như Việt Nam thì rất cần lạm phát tăng để thúc đẩy nền kinh tế, tất nhiên là mức lạm phát phải phù hợp. Chúng ta chỉ lo nền kinh tế rơi vào tình trạng thiểu phát, bởi điều này đồng nghĩa với sức mua bán, trao đổi của nền kinh tế bị hạn chế. Và trên thế giới, nhiều nước như Mỹ, Nhật… đã phải đưa ra rất nhiều biện pháp để mong có lạm phát.

Ở một góc độ khác, ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho rằng: Nhìn một cách tổng thể, nền kinh tế thế giới và trong nước hiện vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Vì thế, mặc dù dự báo cầu tín dụng năm nay tăng hơn so với năm 2020, nhưng để đạt mục tiêu 12% là điều không đơn giản. Vì thế, việc tăng lãi suất huy động và cho vay có thể tiếp tục diễn ra trong thời gian tới nhưng cũng sẽ chỉ tăng ở mức vừa phải, phù hợp với tốc độ tăng của nền kinh tế. Còn về vấn đề lạm phát, nhiều khả năng năm nay sẽ cao hơn so với nhiều năm gần đây, nhưng khó có thể vượt quá mức 4% theo mục tiêu được Quốc hội đề ra. Bởi ngoài chính sách tiền tệ, chắc chắn là bằng các chính sách tài khóa khác (như thuế, giá, đầu tư…), Chính phủ sẽ có giải pháp để bình ổn nền kinh tế.

Đến thời điểm này mới hết quý I, trong khi diễn biến dịch COVID-19 cả trong và ngoài nước vẫn còn nhiều điều khó đoán định. Vì thế vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn bất cứ điều gì vào thời điểm hiện tại. Nhưng có một điều chắc chắn là nếu công tác phòng, chống các loại dịch bệnh được thực hiện tốt thì kéo theo đó sẽ là sự tăng trưởng tích cực về mọi mặt. Vì thế, mỗi người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm để góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển trong năm 2021 và những năm tiếp theo.