Kỳ 3: Sản xuất, chế biến chè an toàn: Làm thật phải ra tiền thật Để nâng cao giá trị sản phẩm chè, xa hơn nữa là mục tiêu xuất khẩu thì việc nâng cao chất lượng là đòi hỏi tất yếu. Trong đó, chè an toàn đang là hướng đi được tỉnh khuyến khích. Tuy vậy, từ thực tế những năm qua cho thấy, việc sản xuất chè an toàn trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có sự vào cuộc tích cực của các ngành, tổ chức liên quan cũng như của chính các hộ dân làm chè.
Còn lắm gian truân
Bước đi đầu tiên của tỉnh trong việc phát triển vùng chè an toàn chính là xây dựng các mô hình sản xuất chè VietGAP. Đến nay, sau hơn 10 năm triển khai, các mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng mạnh mẽ của người làm chè trên địa bàn tỉnh, làm thay đổi phương thức sản xuất của bà con. Minh chứng rõ nhất cho điều này đó là, đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 6.800ha chè nằm trong quy hoạch được sản xuất theo hướng an toàn; trong đó, có khoảng 2.600ha chè được cấp chứng nhận VietGAP.
Ông Nguyễn Văn Thủy, ở xã Phú Đình (Định Hóa): “Sau khi Tổ hợp tác chè VietGAP của xóm dừng hoạt động, cuối năm 2020, tôi đã đứng ra vận động 9 hộ dân khác cùng liên kết để thành lập HTX Nông nghiệp Bình Minh với ngành nghề chính là sản xuất chè an toàn trên diện tích 5ha. Mặc dù sản xuất chè an toàn còn nhiều khó khăn nhưng tôi tin rằng sẽ làm được nếu người làm chè thực sự quyết tâm”. |
Nâng cao hơn một “bậc” so với chè VietGAP là mô hình chè hữu cơ tiếp tục được đưa vào trồng thí điểm với kỳ vọng tiệm cận được với những yêu cầu khắt khe của các bạn hàng khó tính. Sản xuất chè an toàn, chè hữu cơ ngoài giá trị kinh tế còn bảo vệ môi trường sinh thái cũng như sức khỏe của người sản xuất và tiêu dùng. Ngoài ra, bà con cũng đã mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất, chuyển đổi một số diện tích sang trồng chè đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn trong nước và quốc tế (VietGAP, GlobalGAP, UTZ Certified). Đây chính là yếu tố thuận lợi cho chè an toàn phát triển và nhân rộng.
Thế nhưng, có một thực tế rằng, diện tích chè được cấp chứng nhận an toàn trong tỉnh chưa lớn và số diện tích sản xuất theo quy trình an toàn hàng năm tăng không đáng kể. Đến nay, toàn tỉnh mới có trên 150ha chè sản xuất theo hướng hữu cơ. Ông Nguyễn Văn Thủy, ở xóm Phú Ninh, xã Phú Đình (Định Hóa) lý giải: Vì không thấy hiệu quả nên sau khi được cấp chứng nhận một thời gian, 22 thành viên của Tổ sản xuất chè an toàn Phú Ninh lại quay trở về sản xuất theo hộ cá thể như trước.
Còn anh Trần Văn Đảng, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh T&D Tức Tranh (Phú Lương) cho hay: Sản xuất chè an toàn công sức bỏ ra là rất lớn, trong khi hiệu quả kinh tế đem lại chưa cao. Đơn cử như làm chè theo hướng hữu cơ, tôi bán với giá cao hơn khoảng 30% so với chè thông thường vậy nhưng sản lượng lại thấp hơn khoảng 20% trên cùng một diện tích canh tác. Thêm vào đó, chúng tôi cũng chưa có đầu ra ổn định mà vẫn phải đem bán tại chợ hay bán cho thương lái, bị đánh đồng với chè thông thường với giá cả lên xuống bấp bênh.
Hiện nay, tại các thị trường ngoài tỉnh có hiện tượng trà trộn chè Thái Nguyên phẩm hạng thấp với phẩm hạng cao hoặc chè Thái Nguyên với chè của một số địa phương khác. Đây chính là lý do lớn nhất khiến diện tích chè VietGAP, chè hữu cơ không mở rộng được nhanh như kế hoạch của tỉnh.
Người làm chè sau một thời gian vất vả với các quy trình nghiêm ngặt lại tiếp tục vật lộn với thị trường để chứng minh chất lượng của mình. Các tổ chức, cá nhân đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP phải mất phí, thủ tục rườm rà, giấy chứng nhận đạt chuẩn có giá trị trong thời gian ngắn (3 năm) trong khi thời gian thẩm định dài (có thể kéo dài đến 6 tháng)… là những rào cản còn hiện hữu đối với chè an toàn nói chung, chè VietGAP nói riêng.
Đối với diện tích chè khi chuyển sang trồng theo hướng hữu cơ, người dân phải mất một thời gian tương đối dài để cân đối lại các thành phần trong đất và phải sau 2-3 năm mới cho sản lượng ổn định. Do vậy, ngoài sự quyết tâm của người làm chè thì các ngành chức năng, nhất là các cơ quan kiểm nghiệm sản phẩm nông nghiệp, quản lý thị trường không vào cuộc quyết liệt thì rất khó thực hiện sản phẩm chè an toàn…
Mong muốn của người trong cuộc
Một trong những mục tiêu quan trọng nhất đối với người sản xuất là lợi nhuận kinh tế. Chừng nào vẫn còn cảnh mập mờ đánh lận con đen, các quy trình sản xuất thông thường, chưa đảm bảo đầy đủ các tiêu chí về chất lượng vẫn được thị trường chấp nhận thì sản xuất chè an toàn vẫn sẽ gặp khó. Đó là đánh giá chung của các hộ sản xuất chè an toàn hiện nay.
Đóng gói sản phẩm chè VietGAP tại HTX chè Nhật Thức, ở xã Phục Linh (Đại Từ).
Vậy cách nào để người làm chè không “đơn độc” trong quá trình sản xuất cũng như bảo vệ, mở rộng thị trường của mình? Anh Nguyễn Thanh Dương, Giám đốc HTX Chè trung du Tân Cương (T.P Thái Nguyên) đề xuất:
Ông Vũ Đức Lừng, Tổ trưởng Tổ sản xuất chè an toàn Hòa Bình, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ): “Tổ sản xuất chè an toàn Hòa Bình hiện có 86 hộ dân tham gia, với diện tích 20ha, được chứng nhận tháng 11-2020. Hiện nay, bà con vẫn tự chủ động tiêu thụ sản phẩm. Do vậy, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ kết nối đầu ra ổn định để người dân có thêm động lực sản xuất”. |
Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ kinh phí gia hạn chứng nhận VietGAP dài hơn, tránh tình trạng bà con bỏ dở quy trình vì suy nghĩ chưa thấy hiệu quả đã phải nộp tiền. Bên cạnh đó, cần có chế tài xử phạt nghiêm đối với những trường hợp vi phạm nguyên tắc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm kém chất lượng, ghi không đúng nhãn mác…
Là đơn vị sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đầu tiên của tỉnh (từ năm 2009), ông Lê Huy Phúc, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Thành, ở xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) bày tỏ: Chúng tôi đã thành lập HTX để có cơ sở pháp lý đưa sản phẩm vào các đại lý, siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, HTX hoạt động yêu cầu phải đăng ký mã số thuế, nộp các phí, thuế, thuê kế toán... mà việc này là khó với người nông dân chúng tôi. Do đó, Nhà nước nên có cơ chế hỗ trợ hợp lý về thuế, phí, máy móc sản xuất, chế biến, tạo điều kiện thông thoáng trong các thủ tục hành chính đối với những HTX mới thành lập.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Tiêu chuẩn VietGAP hay hữu cơ mới là bước khởi đầu để nâng cao giá trị của sản phẩm chè. Để có hiệu quả kinh tế như mong muốn, ngoài việc trồng, chăm sóc theo quy chuẩn, người làm chè cần tiếp tục đầu tư cho khâu chế biến, cải tiến bao bì, mẫu mã sản phẩm theo nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng và tăng cường xúc tiến thương mại cho chính sản phẩm của mình. Thực tế, những sản phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm, hình thức bắt mắt luôn được tiêu thụ với giá bán cao gấp nhiều lần so với những sản phẩm thông thường và không lo thiếu thị trường…
Từ thực tế có thể thấy, việc sản xuất chè an toàn trên địa bàn tỉnh đang có nhiều thuận lợi song cũng gặp rất nhiều rào cản. Thiết nghĩ, để mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng sản phẩm chè an toàn cần có giải pháp đồng bộ từ phía người dân và cơ quan chức năng. Trước tiên, người dân phải nâng cao ý thức trong sản xuất, chế biến sản phẩm chè, thực hiện nghiêm các quy trình đã quy định, tự nâng cao giá trị bằng cách chăm chút cho sản phẩm của mình cả về chất lượng lẫn hình thức.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng của tỉnh cần tiếp tục lắng nghe nguyện vọng, kiến nghị của người làm chè, cần “đứng chung hàng, đi chung lối” và đi đến cùng với người dân từ trồng, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy, giá trị sản phẩm chè an toàn nói riêng, chè Thái Nguyên mới đứng vững chắc trên sân nhà và tiếp cận rộng rãi hơn với thị trường quốc tế…
Thực hiện Đề án Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Thái Nguyên xác định sẽ mở rộng diện tích sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ ở những vùng chè tập trung. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh phấn đấu có 6.000ha chè theo tiêu chuẩn GAP, 235ha chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ và giai đoạn 2026-2030 là 12.500ha chè GAP, 500ha chè hữu cơ. |
(Còn nữa)