Chăn nuôi gà công nghiệp gia công theo hướng liên kết công – nông, giảm nguy cơ rủi ro về dịch bệnh, đem lại lợi nhuận kinh tế khá, đang là lựa chọn của nhiều hộ dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây có không ít người chăn nuôi gia công cho Công ty CP Dinh dưỡng Việt Tín (gọi tắt là Công ty Việt Tín, địa chỉ tại thôn Xuân Sơn, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) chịu thiệt vì doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết ban đầu.
Đưa chúng tôi đi thăm trang trại gà của gia đình, bà Lê Thị Hạnh (ở phường Ba Hàng, T.X Phổ Yên) xót xa nói: Tháng 12-2020, gia đình tôi ký hợp đồng gia công gà thịt với Công ty Việt Tín thời hạn 1 năm, quy mô 1,4 vạn con. Lứa thứ nhất nuôi, tôi thua lỗ hơn 100 triệu đồng. Đến lứa gà thứ 2, gia đình hy vọng gỡ gạc đồng vốn thì lại mất thêm hơn 380 triệu đồng...
Theo hợp đồng, phía Công ty Việt Tín sẽ cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, thú y, khoa học kỹ thuật và bao tiêu đầu ra sản phẩm cho trại gà. Còn gia đình bà Hạnh chịu trách nhiệm xây chuồng trại, quản lý, chăn nuôi gà theo quy trình từ khi vào giống đến khi ra chuồng, chi phí gia công là 170 triệu đồng. Thời gian nuôi gà kéo dài từ 65 đến 110 ngày. Nếu vượt quá thời gian trên không thu hồi hết gà thì Công ty việt Tín phải cấp bù thức ăn là 100g/con/ngày để gia đình bà Hạnh nuôi tiếp.
Bà Hạnh cho biết: Số cám Công ty cấp cho 2 chuồng chúng tôi chỉ đủ nuôi gà đến ngày thứ 93, nhưng gà được 112 ngày Công ty mới bắt đầu thu hồi khiến lượng gà ốm, chết rất nhiều. Trại phải tự bù thêm 29 tấn cám (trị giá hơn 200 triệu đồng). Thuốc chữa bệnh cho vật nuôi cũng vượt định mức giao khoán đến hơn 30 triệu đồng. Ngoài ra, nhà tôi còn phải chi thêm tiền điện, nước, nhân công…
Thức ăn chăn nuôi của Công ty CP Dinh dưỡng Việt Tín cấp cho các trang trại.
Cùng tình cảnh như bà Hạnh, nhiều ngày nay, anh Hoàng Sơn (ở xã Hóa Thượng, Đồng Hỷ) cũng đứng ngồi không yên vì số tiền trên 650 triệu đồng gia đình phải tự chi trả khi nhận chăn nuôi gia công cho Công ty Việt Tín.
Theo nhật ký sản xuất, thời gian nuôi gà tại 2 trại của anh Sơn lên tới 110 ngày và 123 ngày. Trong thời gian đợi xuất bán, số gà chết ở 2 trại là 3.500 con, chưa kể gia đình phải tự bù cám, thuốc rất tốn kém.
Anh Sơn bức xúc nói: Trước kia, khi nuôi gà gia công cho các doanh nghiệp khác, mỗi trại gà của tôi đều thu lãi ít nhất 60 triệu đồng/lứa. 2 lứa gà gần đây nuôi cho Việt Tín đều thua lỗ nặng. Mặc dù trại đã chăn nuôi đủ, thậm chí vượt định mức cám nhưng đến ngày được xuất bán thì gà chỉ đạt từ 1,5- 2kg. Trong khi đó, định mức Công ty thu về là gà phải đạt trên 2,1kg/con, nên chúng tôi nghi ngờ chất lượng con giống và thức ăn.
Anh Hoàng Sơn, chủ trang trại nuôi gà gia công: Tôi nghi ngờ chất lượng con giống và thức ăn chăn nuôi của Công ty Việt Tín không tốt.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ cuối năm 2020 đến nay, tại Thái Nguyên có 33 trại gà ký kết hợp đồng nuôi gà gia công với Công ty Việt Tín. Trong đó, nhiều trại đã được Công ty thu hồi gà cũng rơi vào cảnh điêu đứng như gia đình bà Hạnh, anh Sơn.
Mặc dù hợp đồng ký kết giữa 2 bên kéo dài 1 năm nhưng đến nay đa phần đều bị đứt đoạn, do người dân chịu thua lỗ quá nặng hoặc phía Công ty Việt Tín chủ động thông báo với người dân sẽ không tiếp tục hợp hợp đồng, khiến các chủ trang trại không kịp chuẩn bị phương án tái sản xuất, phải để trại lưu không.
Ngoài ra, một số chủ trại nuôi trước đó dù đã trả đầy đủ gà cho Công ty nhưng vẫn chưa được thanh toán tiền gia công nên người chăn nuôi khó càng thêm khó.
Anh Vũ Văn Chung ở tổ 19 (phường Tân Lập, T.P Thái Nguyên) kiến nghị: Người dân chúng tôi đã chăn nuôi và bàn giao gà cho Công ty Việt Tín theo đúng hợp đồng đã ký kết, những thiệt hại mà chúng tôi đang phải gánh chịu là do Công ty không thực hiện đúng nội dung hợp đồng đã ký. Chúng tôi đề nghị Công ty Việt Tín chi trả toàn bộ số tiền mà người chăn nuôi đã bỏ ra.