Sáng 26-9, tại Trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19. Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Ủy viên T.Ư Đảng; đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, một số đại diện tổ chức quốc tế; điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Phát biểu ý kiến mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, từ khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát đến nay, chúng ta đã có những cuộc gặp với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Cách đây hơn 1 tháng, Chính phủ đã có cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp và sau đó ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP để giải quyết các khó khăn. Hôm nay, Chính phủ muốn gặp các doanh nghiệp chủ yếu là trong nước. Chính phủ cố gắng đáp ứng các yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp.
Phát huy sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết dân tộc trong cuộc chiến với COVID-19
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi lời cảm ơn và ghi nhận những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp trong gần hai năm qua đã cùng với Đảng, Nhà nước, nhân dân tích cực phòng, chống dịch COVID-19, nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ các doanh nhân.
Thủ tướng nhấn mạnh, làm được điều này chính là nhờ tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Chúng ta bằng các hành động cụ thể thể hiện tình cảm của Đảng, Nhà nước, nhân dân với doanh nghiệp. Càng khó khăn, phức tạp thì càng phải đoàn kết, nhất trí, phát huy trí tuệ tập thể để vượt qua khó khăn. Chúng ta thực hiện phòng, chống dịch hết sức quyết liệt, quyết tâm cao cùng với nhân dân, các cấp chính quyền, từng bước kiểm soát dịch bệnh, nhất là ở T.P Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Việc này không thể chủ quan được. Các nước trên thế giới với tỷ lệ tiêm chủng cao cũng đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch với biến chủng mới.
Vừa qua, chúng ta đạt được thành công trong phòng, chống dịch ở một số địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang, có lúc tại Hà Nội, có kinh nghiệm và kiểm soát được. Sau gần hai năm có kinh nghiệm, cùng với phát triển kinh tế-xã hội, chúng ta đã hiểu loại virus này nhiều hơn, dần dần tìm cách thích ứng tình hình.
Mỗi chủng virus lại khác nhau, biến chủng Delta khác chủng cũ ở điểm, nồng độ virus gấp 1.000 lần biến chủng cũ nên lây lan nhanh, kéo dài; thời gian cách ly lên đến 20 ngày chứ không còn cách ly 14 ngày như trước đây; không biểu hiện nhưng chuyển triệu chứng tăng nặng rất nhanh... Điều quan trọng nhất là chúng ta tìm cách thích ứng với nó.
Hôm qua, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã họp với các tỉnh, thành phố và nhận định cần tìm cách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để chống dịch thành công, phát triển kinh tế-xã hội. Hội nghị này cũng xoay quanh chủ đề đó. Nếu chỉ tập trung vào chống dịch thì sẽ hết nguồn lực, ngược lại, nếu chỉ tập trung phát triển kinh tế thì nguy cơ dịch bùng phát. Hai vấn đề này có quan hệ tương tác với nhau. Lúc này, chúng ta cần phát huy tinh thần đoàn kết, phát huy sức sáng tạo của nhân dân, phát huy nghệ thuật “chiến tranh nhân dân”, “chiến tranh du kích” trước đây để vận dụng trong tình hình hiện nay.
Thủ tướng tin tưởng rằng, với sự sáng tạo, nhạy bén của DN trong thời gian qua, chúng ta sẽ đoàn kết, thống nhất và tìm ra giải pháp phòng, chống dịch, khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng một lần nữa trân trọng ghi nhận và đánh giá cao sự vào cuộc của cộng đồng DN trong hai năm qua trong phát triển kinh tế-xã hội; cho rằng, một cuộc trao đổi không thể giải quyết hết các vấn đề đặt ra, nhưng điều quan trọng nhất là tôn trọng, từng bước lắng nghe, cùng tìm ra giải pháp. Trên cơ sở kinh nghiệm các DN đã có trong phát triển kinh tế, trong phòng, chống dịch, kinh nghiệm tham khảo quốc tế..., chúng ta cùng bàn bạc để tìm ra giải pháp vừa chống dịch tốt, vừa khôi phục phát triển kinh tế.
Một số hạn chế trong việc thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
* Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhìn chung, các chính sách, giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 105/NQ-CP đã được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao và kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ những vấn đề khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt. Hiện nay, các giải pháp, nhiệm vụ đã và đang được các bộ, ngành và địa phương tích cực triển khai thực hiện và cơ bản hoàn thành theo đúng tiến độ được giao.
Tuy nhiên, qua phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi, gây khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Việc triển khai một số chính sách còn khá chặt chẽ, cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ, chưa bao quát hết các tình huống phát sinh trong thực tế, công tác thực thi có lúc, có nơi còn chưa chủ động, linh hoạt. Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được với một số chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp do thủ tục còn phức tạp, một số điều kiện chưa phù hợp. Các mâu thuẫn còn tồn tại giữa các luật điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn được chưa giải quyết triệt để, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, vấn đề các doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị nhiều nhất là việc khẩn trương có hướng dẫn áp dụng các điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới và kế hoạch mở cửa của các địa phương để doanh nghiệp có thể chủ động phương án sản xuất kinh doanh.
Hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào ngành kinh tế đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chẳng hạn như: với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản, hiện nay chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp của ngành này tại các tỉnh, thành phố phía nam còn hoạt động nhờ bảo đảm được điều kiện “3 tại chỗ”, nhưng cũng vô cùng khó khăn để duy trì sản xuất vì chi phí tăng vọt và chỉ có thể huy động 30-50% số lượng lao động, đặc biệt, công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40-50% so với trước đây (Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP).
Với các doanh nghiệp ngành gỗ, đã có trên 50% doanh nghiệp ngành này tại khu vực Đông Nam Bộ dừng sản xuất và đang đối diện nguy cơ phá sản (Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - Viforest);… Theo phản ánh từ các hiệp hội doanh nghiệp ở các ngành hàng liên quan đến xuất khẩu và sử dụng nhiều lao động, chỉ có từ 15-20% các nhà máy sản xuất cầm chừng được theo “3 tại chỗ”, còn lại đến 80-85% số nhà máy phải ngừng sản xuất...
Số doanh nghiệp gia nhập thị trường giảm mạnh, trong khi số rút khỏi thị trường tăng cao. Trong 8 tháng năm 2021, cả nước có 114.025 doanh nghiệp gia nhập thị trường, giảm 7,25% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó: số doanh nghiệp thành lập mới là 81.584 doanh nghiệp, giảm 7,97%; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 32.441 doanh nghiệp, giảm 5,61%. Cùng với sự suy giảm số doanh nghiệp thành lập mới, vốn và lao động đăng ký trong các doanh nghiệp thành lập mới cũng sụt giảm so với cùng kỳ năm 2020, lần lượt giảm 7,50% và 13,81%...