Khi “tay máy” thay tay người cần lao

08:19, 05/10/2021

Nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho sản phẩm nông sản, thời gian qua, nhiều hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã chú trọng áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Song hành cùng với bà con, ngành chức năng cũng tập trung hỗ trợ, khuyến khích bà con đầu tư máy móc trong sản xuất, chế biến nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động nông nghiệp.

Trước đây, HTX chè an toàn Hoan Xuyến, ở xã Vô Tranh (Phú Lương) thường bảo quản những mẻ chè chưa tiêu thụ ngay được trong các bao nilon. Với cách làm này, chỉ sau một thời gian ngắn, chè đã không còn giữ được hương vị thơm ngon. Từ năm 2021, được Nhà nước hỗ trợ đầu tư kho lạnh, các thành viên HTX không còn phải lo lắng về vấn đề bảo quản chè. 

Chị Tống Thị Xuyến, Giám đốc HTX chia sẻ: Dịch COVID-19 khiến sản lượng tiêu thụ các sản phẩm chè của HTX giảm 40%. Tuy nhiên, hiện nay, chúng tôi đã xây dựng được kho lạnh bảo quản chè để chờ đến dịp xuất hàng vào thời điểm cuối năm, lúc này, chè vừa bán được giá lại dễ tiêu thụ. Chè được bảo quản trong kho lạnh giúp giữ được hương thơm và vị ngọt, chát đặc trưng. Ngoài ra, các thành viên trong HTX cũng đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, tôn quay, máy vò chè bằng điện, máy đóng hút chân không… góp phần giảm thiểu công lao động.


Gia đình chị Trương Thị Bích, ở tổ dân phố Pha, phường Lương Sơn (T.P Sông Công) ứng dụng công nghệ cao trồng dưa chuột trong nhà lưới.

Không chỉ riêng đối với cây chè, trên cây lúa, 80% công đoạn sản xuất cũng được bà con áp dụng cơ giới hóa, từ khâu làm đất, gieo sạ đến thu hoạch… Bà Nguyễn Thị Sử, ở xóm Dương, xã Đắc Sơn (T.X Phổ Yên) cho biết: Cánh đồng mẫu lớn của xóm có diện tích 20ha, nếu như trước đây, phải mất cả tháng trời bà con mới hoàn thành việc làm đất, gieo cấy thì nay, chỉ trong vòng 1 tuần, máy cày, bừa “quét qua” là chúng tôi đã có thể gieo cấy. Từ năm 2020 đến nay, chúng tôi đã thử nghiệm thuê máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật cho cánh đồng lúa. Ngoài ra, vào vụ thu hoạch, máy gặt đập liên hoàn chỉ hoạt động trong 2 ngày là đã xong việc cho cả cánh đồng, bà con chỉ việc chở thóc về nhà. 

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh gieo trồng gần 60.000ha lúa, 14.000ha rau, 10.000ha ngô và hàng nghìn ha các loại cây công nghiệp khác. Nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện dồn điền, đổi thửa; quy hoạch vùng sản xuất tập trung; đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất… 

Cùng với đó, hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến nông sản. Ông Dương Văn Toản, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho hay: Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã hỗ trợ cho 15 HTX các thiết bị như: Kho lạnh bảo quản chè, máy đóng gói chè, máy hút chân không, tôn quay, máy vò chè… 

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 2.500 máy kéo các loại; hơn 3.000 xe vận chuyển nông sản nhỏ; gần 9.000 máy đốn chè, máy bơm nước, máy sao chè… và nhiều loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp khác. Hiện nay, trong trồng trọt, tỷ lệ sử dụng máy móc đạt 80-90% tổng diện tích đất canh tác; khâu thu hoạch lúa tỷ lệ cơ giới hóa đạt 35-40%; khâu vận chuyển nông sản đạt 85-90%. Đối với cây chè, bà con áp dụng cơ giới hóa trong khâu đốn chè đạt 90%; hái chè bằng máy đạt khoảng 20%, tưới cho cây trồng đạt 60%; vận chuyển vật tư, nông sản đạt 90%...

Mặc dù vậy, phạm vi cơ giới hóa mới chỉ tập trung chủ yếu trong khâu làm đất và thu hoạch. Còn các khâu sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản chưa được chú trọng nhiều. Theo định hướng của ngành chức năng, bà con nông dân cần thay đổi tư duy, đa dạng hóa các hình thức cơ giới hóa, để áp dụng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây trồng. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước cần vận dụng tốt chính sách, giúp các tổ chức, doanh nghiệp, nông dân được tiếp cận, mua máy móc, thiết bị với lãi suất ưu đãi, góp phần đẩy mạnh cơ giới trong hóa sản xuất.