Từ nhiều năm nay, vụ đông trở thành vụ sản xuất chính ở huyện Phú Lương, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người nông dân. Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng vụ đông, bên cạnh các giải pháp về chuyển đổi cơ cấu giống, cân đối thời vụ và ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, huyện Phú Lương cũng chú trọng bảo đảm đủ nguồn nước tưới để bà con yên tâm sản xuất.
Vụ đông bắt đầu từ khoảng đầu tháng 10 đến giữa tháng 1 năm sau. Vào thời điểm này, thời tiết chuyển lạnh, hanh khô và ít mưa nên tình trạng khô hạn rất dễ xảy ra. Do vậy, để bảo đảm nước tưới thường xuyên cho diện tích cây trồng trên địa bàn, giải pháp trọng tâm được huyện Phú Lương triển khai là thường xuyên sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi.
Hiện nay, huyện đang quản lý 58 hồ chứa, 38 trạm bơm, 88 ao, đập và 320km kênh mương. Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã giao phòng chuyên môn rà soát lại chất lượng các công trình thủy lợi trên địa bàn để xây dựng phương án phân bổ kinh phí đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Từ đầu năm đến nay, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã triển khai phương án sửa chữa 1 hồ, 1 đập, kiên cố hóa 7km kênh mương, với tổng mức đầu tư khoảng 7,1 tỷ đồng.
Cùng với đó, ngay từ đầu tháng 10, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với Trạm Khai thác thủy lợi Phú Lương (thuộc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên) rà soát công tác tích trữ nước tại 18 hồ chứa, 3 đập dâng do Trạm trực tiếp quản lý.
Qua rà soát, đến nay, có 15 hồ, đập đã đủ nước tưới, 3 công trình cần tưới tiết kiệm, 3 công trình có nguy cơ thiếu nước tưới. Nguyên nhân là do năm nay, lượng mưa đo được đến tháng 10 chỉ ở mức 1.024mm, thấp hơn 240mm so với năm 2020. Bên cạnh đó, một số hồ chứa đã bị xuống cấp, rò rỉ, gây thất thoát nước.
Trước tình hình đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương đã đề nghị các xã, thị trấn tuyên truyền, khuyến cáo người dân sử dụng nước hiệu quả, hợp lý, tránh thất thoát; thực hiện tốt việc nạo vét các tuyến kênh mương, công trình thủy lợi nội đồng do địa phương quản lý; chỉ đạo tổ đội thủy nông sử dụng nước tiết kiệm, tránh tình trạng tháo nước cạn kiệt. Đồng thời, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp đối với những diện tích có khả năng không đủ nước phục vụ sản xuất.
Ông Nhâm Văn Núi, Phó Chủ tịch UBND xã Động Đạt cho biết: Động Đạt là xã có diện tích sản xuất vụ đông lớn trên địa bàn huyện. Năm nay, toàn xã có 60ha diện tích trồng các loại rau màu vụ đông. Để bảo đảm nước tưới phục vụ sản xuất vụ đông, xã chỉ đạo các xóm vận động nhân dân nạo vét kênh mương để bảo đảm dòng chảy thông suốt. Đồng thời, chúng tôi cũng tuyên truyền đến người dân gieo trồng rau màu tại những diện tích chủ động được nguồn nước, không mở rộng sản xuất trên khu ruộng thường xuyên bị hạn vào cuối vụ.
Theo thống kê sơ bộ của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương, vụ đông năm 2021, toàn huyện gieo trồng 300ha ngô, 280ha cây rau màu các loại và 100ha khoai lang. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các xã: Động Đạt, Phấn Mễ, Cổ Lũng, Yên Đổ…
Ông Phan Văn Tường, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Đến nay, cơ bản các hồ chứa, đập dâng và kênh mương vẫn hoạt động ổn định, công tác tích trữ và điều tiết nước tưới tại các công trình tuân thủ theo quy trình vận hành và bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất vụ đông của nhân dân. Hiện nay, Phòng đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để đẩy mạnh công tác sửa chữa các hồ đập, kênh mương, tích trữ nước phục vụ sản xuất vụ đông năm nay và xa hơn là vụ xuân năm 2022.