Với việc có hàng nghìn hộ dân sinh sống trong khu vực rừng đặc dụng (Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng), vấn đề sinh kế cho người dân là hết sức cần thiết. Chính vì vậy, thời gian qua, Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh đã tích cực triển khai chính sách giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư và người dân. Đồng thời phát triển các mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng.
Rừng đặc dụng Thần Sa - Phượng Hoàng nằm trên 8 xã, thị trấn của huyện Võ Nhai, có tổng diện tích gần 20.000ha. Hiện nay, có hơn 6.000 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng lõi và vùng đệm của rừng đặc dụng.
Nhằm hạn chế tình trạng chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, đồng thời giúp người dân gắn bó với rừng, có thêm nguồn thu nhập, Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh đã chủ động giao rừng cho các tổ dân cư quản lý.
Ông Hoàng Mạnh Quyết, Tổ trưởng Tổ Quản lý bảo vệ rừng xóm Bản Cái, xã Nghinh Tường cho biết: Tổ bảo vệ rừng của chúng tôi có 20 hộ dân, được giao khoán bảo vệ trên 100ha rừng. Các tổ viên cùng với nhau, hoặc cùng với cán bộ Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh đi kiểm tra rừng mỗi tháng trung bình 5-6 lần. Từ việc giao khoán bảo vệ rừng, hằng năm chúng tôi được hỗ trợ trên 400 triệu đồng. Số tiền này sẽ được chia theo công cho các tổ viên.
Hiện nay, Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh thực hiện giao khoán và đã ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng đối với 5.911,36ha/14.297,21ha cho 27 cộng đồng và 2 hộ gia đình, diện tích còn lại là 8.385,85ha đã triển khai ký hợp đồng nguyên tắc với cộng đồng và hộ gia đình.
Chính sách giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho người dân được thực hiện theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ. Theo đó, khi nhận giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, người dân hoặc cộng đồng dân cư sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền công với mức 400 nghìn đồng/ha/năm.
Ngoài việc giao khoán bảo vệ rừng, trong những năm qua, người dân sinh sống tại khu vực rừng đặc dụng thuộc các xóm, xã đặc biệt khó khăn còn được hưởng thụ từ các chính sách của Nhà nước, của tỉnh dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như: Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Quyết định 755, Quyết định 2085, Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020”... Nhờ đó, bà con có điều kiện để phát triển kinh tế gia đình.
Gia đình anh Ma Văn Đức, xóm Lũng Cà, xã Thượng Nung là một trong những hộ dân sinh sống trong khu vực rừng đặc dụng, anh Đức chia sẻ: Nhờ nguồn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội mà gia đình tôi đã đầu tư trồng cỏ voi và chăn nuôi 3 con trâu sinh sản. Ngoài ra, nhà tôi còn cấy 8 sào ruộng và trồng hơn 10 sào ngô. Nhờ đó, cuộc sống gia đình ổn định hơn, có điều kiện để nuôi 2 con ăn học. Tôi cũng không còn phải lên rừng kiếm củi, kiếm măng để bán như trước đây nữa.
Cùng với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, từ năm 2020 đến nay, Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh đã tổ chức cho cộng đồng dân cư vùng đệm tham gia các hoạt động bảo vệ, bảo tồn, phát triển các mô hình trồng cây dược liệu ba kích và cát sâm. Mô hình vừa giúp bảo tồn được cây dược liệu trong tự nhiên, vừa tận dụng được không gian dưới tán rừng, tạo nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh.
Cụ thể, trong năm 2020, người dân được hỗ trợ trồng 6ha cây dược liệu tại xã Sảng Mộc; năm nay có thêm 6 ha với 9 hộ dân tại 3 xã Thần Sa, Cúc Đường, Phú Thượng tham gia.
Ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh cho biết: Những hộ gia đình được lựa chọn tham gia thực hiện mô hình được Ban tổ chức tập huấn kỹ thuật, cấp cây giống, phân bón và cử cán bộ theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật. Qua quá trình theo dõi, các loại cây trồng trên đều sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và hứa hẹn cho thu nhập cao hơn những loài cây trồng khác tại địa phương...
Có thể nói, từ sự quan tâm của Nhà nước, của tỉnh, đời sống của người dân sống trong khu vực rừng đặc dụng đang được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, hiên nay người dân sống trong khu rừng đặc dụng đặc dụng vẫn thiếu đất sản xuất, vì thế bà con mong muốn các ngành chức năng sớm có giải pháp quy hoạch lại 3 loại rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất).