Đến thời điểm này, HTX Trà Cao Sơn, ở xóm Khe Lim, xã Bình Sơn (T.P Sông Công) đã khẳng định được thương hiệu với 6 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Để có được thành quả này, HTX đã trải qua một hành trình gian nan.
Được thành lập tháng 8-2019, HTX Trà Cao Sơn có 15 thành viên. Ban đầu, khi mới đi vào hoạt động, HTX gặp rất nhiều khó khăn từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm đến quản lý hoạt động. Anh Phạm Văn Tiến, Giám đốc HTX Trà Cao Sơn cho hay: Cũng vì khó khăn nên 2/3 số thành viên đồng loạt xin ra khỏi HTX, đến bản thân tôi cũng có lúc cảm thấy lung lay và muốn từ bỏ. Nhưng sau một thời gian suy nghĩ kỹ, tôi kiên trì vận động và phải mất 6 tháng để 6 thành viên quay trở lại chung tay xây dựng HTX. Sau khi củng cố quyết tâm cùng xây dựng HTX phát triển, chúng tôi xác định phải gây dựng thương hiệu, vì chỉ khi có thương hiệu, sản phẩm mới có chỗ đứng trên thị trường.
Muốn xây dựng thương hiệu phải bắt đầu từ chất lượng sản phẩm. Tạo được chất lượng sản phẩm cũng đồng nghĩa với việc phải thay đổi quy trình sản xuất. Vì thế, các thành viên HTX quyết định chuyên tâm sản xuất chè theo quy trình VietGAP và hướng hữu cơ.
Đứng bên nương chè xanh mướt, bà Lê Thị Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Trà Cao Sơn chia sẻ: Thời điểm tôi bắt đầu sản xuất chè VietGAP, sản lượng sụt giảm tới 30-40%, công làm tăng lên, kéo theo nguồn thu nhập từ chè cũng giảm theo. Phải mất trên dưới chục lứa năng suất thấp, cây chè mới phục hồi trở lại. Trong suốt thời gian đó, chúng tôi tuân thủ tuyệt đối việc không phun thuốc diệt cỏ mà dùng thuốc thảo mộc, sử dụng phân bón hữu cơ. Sau một thời gian trồng chè theo quy trình VietGAP, kinh nghiệm từ thực tiễn và qua các lớp tập huấn, tư vấn cách làm, đến nay, các thành viên HTX đã nắm vững quy trình sản xuất, sản phẩm chè của HTX đạt chất lượng cao, đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau thành công của chè VietGAP, chúng tôi tiếp tục nâng cấp quy trình và sản xuất chè theo hướng hữu cơ.
Việc sản xuất chè theo quy trình VietGAP đã khó khăn thì khi chuyển sang hướng hữu cơ, càng đòi hỏi những yêu cầu nghiêm ngặt hơn. Tuy nhiên, do đã có kinh nghiệm và luôn kiên định với quyết tâm sản xuất chè sạch, các thành viên HTX đã kiên trì thực hiện các quy trình, quy tắc trong quá trình trồng, chế biến, bảo quản sản phẩm.
Hiện nay, HTX Trà Cao Sơn có 20ha chè sản xuất theo quy trình VietGAP, 5ha sản xuất theo hướng hữu cơ. Năng suất đạt khoảng 40 tấn/năm; giá bán sản phẩm chè trung bình từ 300 nghìn đồng – 700 nghìn đồng/kg, có loại lên đến 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng/kg.
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn T.P Sông Công hay nhiều địa phương khác trong và ngoài tỉnh, nhiều người tiêu dùng đã biết đến và ưa chuộng sản phẩm của HTX Trà Cao Sơn. Hiện, HTX có 6 sản phẩm đạt OCOP 4 sao (năm 2020, có 3 sản phẩm chè Đinh, chè Tôm nõn, chè Móc câu; năm 2021, có thêm 3 sản phẩm bột trà xanh Matcha, trà Hương Sen, trà đặc sản Cao Sơn).
Nói về kết quả này, Giám đốc HTX Trà Cao Sơn Phạm Văn Tiến vui vẻ: Chúng tôi thấy tự tin vì đã đạt thành công nhất định khi sản xuất được những sản phẩm chè thơm, ngon, chất lượng tương đương những vùng chè nổi tiếng khác. Hiện, HTX đang đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng xây dựng 300m2 nhà xưởng, máy tôn gas, tôn điện sao chè. Trong năm 2022, HTX sẽ tiếp tục duy trì sản xuất chè theo đúng quy trình, quy chuẩn hữu cơ để có sản phẩm chè tôm nõn đạt OCOP 5 sao. Cùng với đó, chúng tôi dự định thu hút thêm thành viên , liên kết với các hộ làm chè trên địa bàn để mở rộng vùng sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng.