Tính đến cuối tháng 10, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đạt 83.442 tỷ đồng, tăng 12,46% so với cuối năm 2020. Tuy nhiên, con số này giảm tới 1.154 tỷ đồng so với tháng trước và thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm 2020 tăng 13,24%). Đây là tháng huy động vốn của nhiều ngân hàng (NH) có sự sụt giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay.
Trong tổng nguồn vốn huy động sụt giảm của tháng 10, nhóm NH thương mại Nhà nước giảm 217 tỷ đồng; nhóm NH thương mại cổ phần giảm 464 tỷ đồng; nhóm NH nước ngoài giảm 477 tỷ đồng. Nếu không tính nhóm NH nước ngoài (do tác động của nhóm này vào hoạt động tín dụng trên địa bàn không rõ ràng), có 5 NH giảm huy động vốn ở mức từ 125-160 tỷ đồng, số khác giảm từ vài chục tỷ đồng. Dù thực tế, trong số 33 TCTD trên địa bàn, nhiều đơn vị vẫn có sự tăng trưởng nguồn vốn huy động, song nhìn chung, mức tăng không cao như những tháng trước đó của năm.
Theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh tỉnh: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nguồn vốn huy động giảm mạnh trong tháng 10. Trước hết, đây là thời điểm quý IV nên nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu sử dụng vốn để nhập hàng hóa chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2022 nên muốn rút vốn, thậm chí gia tăng thêm tiền vay tại các tổ chức tín dụng. Đó là điều đáng mừng và cũng quy luật chung của thị trường tín dụng từ nhiều năm qua. Điều này phần nào cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn đang có thêm những tín hiệu khởi sắc.
Mặt khác, đã có những thời điểm trong năm, do việc sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, không ít doanh nghiệp “dư” vốn, không biết đầu tư gì nên “phải” gửi vào NH hàng trăm tỷ đồng. Thực trạng này mới là điều đáng ngại. Còn hiện tại, tiền huy động giảm, cùng với đó, dư nợ cho vay của các NH vẫn tiếp tục tăng đều, đây được xem là dấu hiệu tích cực.
Ở một góc độ khác, theo ông Lê Tuấn Phan, Phó Giám đốc NH thương mại cổ phần Ngoại thương (Vietcombank) Chi nhánh Thái Nguyên - một trong những TCTD có nguồn vốn huy động giảm mạnh trong tháng 10 thì: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên từ đầu năm đến nay, thực hiện sự chỉ đạo của NH Nhà nước, các NH đồng loạt hạ lãi suất huy động để có cơ sở giảm lãi suất cho vay. Có thể nói, từ nhiều năm trở lại đây, chưa bao giờ, mặt bằng lãi suất tiền gửi, tiền vay lại thấp như hiện nay. Trong khi đó, một số lĩnh vực đầu tư khác như: Bất động sản, chứng khoán, vàng lại diễn ra khá sôi động. Vì thế, thay vì gửi tiết kiệm, không ít người đã chuyển sang các kênh đầu tư này.
Ngoài ra, vào thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu dùng mua sắm, xây sửa nhà cửa cũng tăng cao nên số tổ chức, cá nhân rút tiền khỏi ngân hàng cũng tăng đáng kể. Dù vậy, do các NH đều đang khá dồi dào về nguồn vốn, lại dự liệu trước tình trạng này trong kế hoạch kinh doanh nên không bị ảnh hưởng nhiều. Và, trong ngắn hạn, cả mức lãi suất huy động cũng như cho vay cơ bản vẫn sẽ được giữ ổn định như hiện nay.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc đầu tư bất động sản, chứng khoán hay vàng trong bất cứ thời điểm nào cũng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu nhà đầu tư chạy theo xu hướng đám đông hoặc đầu tư theo thói quen, không có sự nhìn nhận, phân tích, đánh giá sát với thực tiễn cũng như dựa trên tiềm lực tài chính của bản thân thì rất dễ xảy ra rủi ro.
Dự báo, những tháng cuối năm, nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục tăng, nhất là sau khi Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã yên tâm, tự tin hơn với hoạt động đầu tư. Đây cũng sẽ là tiền đề quan trọng để tăng trưởng tín dụng toàn ngành NH được dự báo sẽ có nhiều khởi sắc hơn trong thời gian tới.