Thái Nguyên là địa phương đầu tiên trong cả nước được Quỹ toàn cầu hóa nông thôn mới (NTM) - SGF Hàn Quốc lựa chọn hỗ trợ thực hiện Dự án ODA - Saemaul (Làng thí điểm xây dựng NTM hay còn gọi là làng mới). Với nhiều hoạt động hỗ trợ về cơ sở vật chất, kiến thức, Dự án mang lại thay đổi tích cực trong tư duy, chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần hiệu quả vào chương trình xây dựng NTM của tỉnh.
Sau 5 năm (2017-2021) triển khai thực hiện Dự án Saemaul, từ một xóm nghèo, giao thông bất tiện, điều kiện kinh tế khó khăn, đến nay, xóm Phú Nam 1, xã Phú Đô (Phú Lương) đã mang một diện mạo hoàn toàn mới. Nhà văn hóa xóm được xây dựng khang trang với đầy đủ trang thiết bị, sân thể thao tiện nghi; đường giao thông nông thôn được mở rộng thẳng tắp đến từng nhóm hộ; ban đêm, hệ thống điện chiếu sáng các lối đi và khu vực công cộng...
Đặc biệt, với mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện đời sống của người dân từ cây chè - cây trồng thế mạnh ở xóm, Dự án đã hỗ trợ thành lập Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, thương mại và dịch vụ Saemaul Phú Nam 1 với 14 thành viên. HTX được trang bị đầy đủ thiết bị, máy móc hiện đại để sản xuất, chế biến chè, xe ô tô vận chuyển và xây dựng nhà trưng bày sản phẩm. Các thành viên HTX được hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới chè bằng van xoay tự động; tham quan, tập huấn về quy trình trồng, sản xuất, chế biến chè an toàn theo quy trình VietGAP; trợ giúp quảng bá, giới thiệu sản phẩm...
Bà Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc HTX nông nghiệp, thương mại và dịch vụ Saemaul Phú Nam 1 cho biết: Cái được lớn nhất chúng tôi nhận được từ Dự án là sự thay đổi trong tư duy sản xuất nhằm phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm chè. Từ cách làm chè đơn giản, truyền thống, chỉ bán được tại chợ, nay người dân đã chú trọng sản xuất an toàn, đa dạng hóa mẫu mã, xây dựng thương hiệu để không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu sang nước ngoài, đặc biệt là thị trường EU.
Bà Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc HTX nông nghiệp, thương mại và dịch vụ Saemaul Phú Nam 1 giới thiệu sản phẩm chè của HTX với Đoàn công tác của Đại sứ quán Hàn Quốc và Quỹ SGF tại Việt Nam.
Toàn HTX hiện có 15/15ha diện tích chè VietGAP, giá bán từ 200.000-500.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với trước đây. Phú Nam 1 cũng được công nhận là Làng nghề chè xuất sắc tại Lễ vinh danh các làng nghề của huyện Phú Lương. Mới đây, sản phẩm chè tôm nõn của HTX đủ tiêu chuẩn tham gia dự thi OCOP. Đặc biệt, HTX đang xây dựng 12ha chè được định vị mã số vùng trồng (điều kiện bắt buộc nếu muốn xuất khẩu sản phẩm sang những thị trường khó tính).
Ngoài xóm Phú Nam 1, từ năm 2014 đến nay, mô hình làng Saemaul còn được triển khai tại xóm Tổ, xã Phượng Tiến và xóm Phú Ninh, xã Phú Đình (Định Hóa); xóm Tiền Tiến, xã Bình Sơn (T.P Sông Công). Đây đều là những xóm đặc thù khó khăn, có đông người dân tộc thiểu số sinh sống.
Trong 8 năm qua, tại các xóm này, Quỹ SGF đã thực hiện việc cải tạo, mở rộng đường nông thôn; xây mới trạm biến áp, nâng cấp đường dây điện; xây nhà văn hóa và mua sắm trang thiết bị; lắp đặt hệ thống đèn đường; tài trợ dụng cụ giữ gìn vệ sinh môi trường; hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế, HTX phù hợp với điều kiện, thế mạnh và nhu cầu của người dân; hỗ trợ máy móc thực hiện các dự án sản xuất; hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm...
Mới đây, Đoàn công tác của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và Quỹ SGF có chuyến đánh giá kết quả thực hiện Dự án tại xóm Phú Nam 1 và xóm Tiền Tiến. Theo đánh giá, các hoạt động hỗ trợ, hạng mục đầu tư đều cơ bản được triển khai đúng tiến độ đề ra; hỗ trợ phát triển kinh tế phù hợp với nhu cầu, thế mạnh địa phương; người dân thay đổi nhận thức trong sản xuất, áp dụng nhiều kiến thức khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế...
Ông Kwak Bu-sung, Trưởng đại diện Quỹ SGF tại Việt Nam nói: SGF đang triển khai Dự án Saemaul tại 14 xóm trên địa bàn 5 tỉnh trong cả nước. Tại Thái Nguyên, chúng tôi đánh giá cao sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, nỗ lực của người dân trong thực hiện Dự án.
Thời gian tới, bên cạnh triển khai kế hoạch NTM, Quỹ SGF sẽ đồng hành cùng với địa phương thực hiện chuyển đổi số tại các xóm; định hướng tập hợp, liên kết tất cả các HTX Saemaul ở mọi nơi, trở thành một liên minh HTX và phát triển cụm liên kết để đưa sản phẩm của bà con vào thị trường thông qua các hoạt động quảng bá. Như vậy, người dân ở các làng mới sẽ được tiếp cận thị trường dễ dàng hơn thông qua chuỗi cung ứng sản phẩm Saemaul và hệ thống bán hàng trực tuyến.
Dự án Saemaul cũng được Bộ Nông nghiệp và PTNT, tỉnh Thái Nguyên và cộng đồng dân cư vùng triển khai Dự án đánh giá cao. Qua đó tạo động lực cho chính quyền và người dân đoàn kết để nhân rộng mô hình, xây dựng làng NTM văn minh, NTM kiểu mẫu bền vững.
Phong trào Saemaul là một sáng kiến chính trị được đưa ra vào năm 1970 bởi Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee, nhằm hiện đại hóa kinh tế nông thôn Hàn Quốc. Với phương châm “Cần cù - Tự lực - Hợp tác”, phong trào khuyến khích các thành viên trong cộng đồng tham gia vào quá trình phát triển. |