Với mục tiêu cốt lõi là nâng cao đời sống người dân, sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào hơn 2 năm trước, xã Văn Hán (Đồng Hỷ) tiếp tục triển khai nhiều chính sách về nông nghiệp, nông thôn, hoàn thiện các tiêu chí theo chiều sâu. Thời điểm hiện tại, Văn Hán đang ở chặng cuối trên con đường trở thành xã NTM nâng cao và tiếp tục phấn đấu trở thành xã NTM kiểu mẫu trong tương lai không xa.
Năm 2021, xã Văn Hán được huyện Đồng Hỷ lựa chọn về đích NTM nâng cao. Qua rà soát, đối chiếu với các tiêu chí NTM nâng cao, Văn Hán còn 5 tiêu chí chưa đạt, gồm: Hộ nghèo, thu nhập, tổ chức sản xuất, giáo dục và đào tạo, môi trường và an toàn thực phẩm. Các tiêu chí này tuy không cần nguồn lực đầu tư lớn như những hạng mục về hạ tầng nhưng cũng không dễ thực hiện, đặc biệt là tiêu chí thu nhập và hộ nghèo.
Ông Nguyễn Xuân Hiền, Chủ tịch UBND xã Văn Hán cho biết: Chúng tôi bước vào thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã NTM nâng cao với nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhiều lao động tại các khu, cụm công nghiệp tạm thời phải nghỉ việc, ảnh hưởng đến thu nhập của các hộ dân; nông sản của người dân làm ra khó tiêu thụ, vận chuyển. Tiếp đó, hiện tại là giai đoạn chuyển giao giữa chính sách mới và cũ của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Những chính sách cũ của giai đoạn 2015-2020 đã dừng, còn chính sách của giai đoạn mới lại chưa có.
Để về đích NTM nâng cao đúng hẹn, ngay từ đầu năm, xã Văn Hán đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ sản xuất trên cơ sở phát huy thế mạnh của địa phương. Đây cũng là hoạt động nhằm hoàn thiện tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất. Đơn cử, với gần 1.000ha chè, xã thực hiện tuyên truyền, hỗ trợ các hộ sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ. Việc sử dụng phân bón, nước tưới, thuốc bảo vệ thực vật được giám sát, thực hiện theo các quy định bắt buộc. Từ đó, năng suất, chất lượng sản phẩm chè liên tục được nâng cao.
Tiêu biểu như mô hình sản xuất chè xanh an toàn theo hướng VietGAP tại xóm Phả Lý có quy mô trên 22ha. Ông Nguyễn Trọng Vân, Trưởng xóm Phả Lý khẳng định: Việc trồng, chế biến chè an toàn giúp người dân trong xóm thay đổi tư duy từ canh tác truyền thống sang sản xuất theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt để nâng cao thu nhập và xây dựng thương hiệu. Nguyên liệu chè của người dân sau khi liên kết sản xuất với Hợp tác xã (HTX) Thái Minh đã khẳng định chất lượng và được cấp Giấy chứng nhận OCOP 4 sao với 2 sản phẩm “Trà Hán Văn”, “Trà ướp hoa Mộc”. Nhờ đó, giá chè tăng khoảng 8-10% so với trước đây.
Với định hướng tập trung sâu vào chế biến, tiêu thụ, phát triển các tổ hợp tác, HTX, hiện, trên địa bàn xã Văn Hán có 17 làng nghề chè truyền thống và 8 HTX, trong đó có 6 HTX sản xuất chè, 1 HTX chế biến lâm sản, 1 HTX trồng bưởi. Không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ, các HTX đang góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân địa phương, đóng góp trực tiếp vào việc hoàn thiện tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất, thu nhập và hộ nghèo trong xây dựng NTM nâng cao.
Chị Dương Thị Chang, Giám đốc HTX chè Văn Hán nói: HTX hiện có 8 dòng sản phẩm từ bình dân đến cao cấp. Trung bình mỗi tháng, chúng tôi xuất bán 1 tấn chè búp khô với giá từ 200-500 nghìn đồng/kg. Năm 2021, HTX có một sản phẩm Chè tôm nõn Văn Hán đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Cùng với đẩy mạnh hoàn thành các tiêu chí chưa đạt, từ 2019 đến nay, xã Văn Hán còn huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn với tổng kinh phí 93 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân trong xã đóng góp khoảng 9 tỷ đồng. Ông Nguyễn Đức Hùng, xóm Ấp Chè cho hay: Trong quá trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, người dân chúng tôi nhận thấy sự thay đổi rõ rệt của xã nhà. Càng trân trọng hơn khi trong quá trình thực hiện, các cấp chính quyền luôn tôn trọng và phát huy vai trò của người dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Từ đó, bà con đồng thuận tự nguyện đóng góp kinh phí, hiến đất, tham gia ngày công lao động, xây dựng cảnh quan, bảo vệ môi trường, liên kết hợp tác sản xuất...
Nhờ phát huy nội lực, đến thời điểm này, xã Văn Hán đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM nâng cao. Thu nhập bình quân năm 2021 dự kiến đạt trên 45 triệu đồng/người, xã hiện chỉ còn các hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 91%; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt hơn 97%; môi trường nông thôn được cải thiện; an ninh trật tự được giữ vững...
“Xây dựng NTM là các chặng đường dài nối tiếp nhau, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Đối với xã Văn Hán, việc xác định đúng mục tiêu và giải pháp cần tập trung thực hiện trong từng giai đoạn là yếu tố quan trọng hàng đầu để hoàn thành tốt kế hoạch đề ra...” - Ông Nguyễn Xuân Hiền, Chủ tịch UBND xã Văn Hán cho biết thêm.