'Cứu' sông, hồ ô nhiễm bằng công nghệ biến bùn thải thành xi măng

08:52, 27/04/2022

Bùn thải ở sông Tô Lịch, hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm... có chứa nhiều chất hữu cơ nên có thể làm nhiên, nguyên liệu sản xuất xi măng. Và công nghệ mới đó đang mở ra tương lai việc xử lý triệt để ô nhiễm sông, hồ.

'Hô biến' 86.000 tấn bùn thải thành xi măng

Ông Phạm Văn Nhận, Thành viên Hội đồng Thành viên Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) đánh giá, tiềm năng xử lý chất thải trong ngành xi măng rất lớn, xử lý được khối lượng lớn do tận dụng được lò đốt ở nhiệt độ cao sẵn có trong dây chuyền sản xuất.

Ngoài ra, khi xử lý không đòi hỏi cao về phân loại rác, tỉ lệ thu hồi nhiệt cao, không phát thải thứ cấp và có hệ thống giám sát khí thải liên tục 24/7, nhờ đó sẽ không cần các bãi chôn lấp, góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan.

Theo ông Nhận, từ cuối 2019 VICEM đã thử nghiệm và thành công chương trình xử lý rác thải, bùn thải làm nhiên, nguyên liệu thay thế trong sản xuất clinker, xi măng.

Sang đến 2020, VICEM đã xử lý bùn thải tại 5 dây chuyền thuộc 4 đơn vị sản xuất: Nhà máy xi măng Hoàng Thạch, Bút Sơn, Hạ Long và Hà Tiên với tổng khối lượng 15.000 tấn bùn thải.

Năm 2021, đã nâng khối lượng xử lý bùn thải lên 70.000 tấn bùn thải, giúp thay thế 3 - 5% khối lượng nguyên liệu sét. Trong năm 2022, kế hoạch của toàn VICEM sẽ xử lý là 86.000 tấn bùn thải.

Ông Nhận cho biết, trước những kết quả khả quan của công nghệ đưa chất thải vào làm nhiên, nguyên liệu sản xuất xi măng, cuối năm 2021, VICEM Bút Sơn đã được Bộ TN-MT cho phép thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại.

Đến nay, sau gần 5 tháng vận hành thử nghiệm, đơn vị xử lý thành công hơn 4.172 tấn chất thải nguy hại; với mức hỗ trợ chi phí xử lý là 400.000 đồng/tấn. Đây là minh chứng cho thấy cơ quan quản lý nhà nước đã có sự thừa nhận VICEM chủ động được công nghệ xử lý chất thải.

Đây cũng là cơ sở xác đáng để xem xét gỡ vướng cơ chế, đưa sản xuất xi măng thuộc quy hoạch bảo vệ môi trường, được tham gia đồng xử lý chất thải, từ đó, việc tiếp cận nguồn chất thải - chính là nhiên, nguyên liệu sản xuất xi măng được dễ dàng hơn, thay vì phải đi mua như hiện nay.

Lối ra cho nhiều lòng sông, hồ ô nhiễm

Theo các chuyên gia, quá trình thử nghiệm đưa bùn thải vào sản xuất xi măng đã dùng bùn thải lắng ở đáy sông Tô Lịch, hồ Yên Sở làm nguyên liệu sản xuất mà không ảnh hưởng đến chất lượng xi măng, rất thành công. Đáng tiếc, khi VICEM muốn tiếp cận, đưa nguồn nguyên liệu là bùn thải ở sông Tô Lịch, hồ Tây, hồ Yên Sở thì không làm được do vướng cơ chế.

Theo đại diện Bộ TN-MT, pháp luật không cấm xử lý chất thải thành nguyên, nhiên vật liệu. LÊ QUÂN

GS-TS Trần Hiếu Nhuệ, nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường cho biết, bùn thải ở sông Tô Lịch, hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm… hoặc bùn thải ở các hồ, ao tại các làng nghề chứa nhiều chất hữu cơ. Đặc trưng của chất hữu cơ là rất dễ cháy, sau cháy có các bon chính là một thành phần của xi măng.

Tuy nhiên, theo GS-TS Nhuệ, không phải bùn thải ở sông, hồ nào cũng làm được nhiên, nguyên liệu làm xi măng, chỉ những nơi có nhiều chất hữu cơ. Quy trình xử lý bùn thải thành nhiên, nguyên liệu sản xuất xi măng thường là phải hút từ đáy sông, hồ lên rồi vận chuyển đến nơi chứa, làm khô rồi mới đốt cháy được. Nhưng ưu điểm là quá trình đốt cùng với các nguyên liệu khác trong lò nung đã có công nghệ xử lý khí, hạn chế tối đa việc phát thải ra môi trường.

“Khi đưa chất thải, bùn thải vào sản xuất xi măng, điều đầu tiên các nhà máy xi măng lo lắng là liệu có ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm hay không. Nếu chứng minh không ảnh hưởng thì có thể đưa vào làm nhiên, nguyên liệu được. Điều này giúp tiết kiệm tài nguyên, lại làm giảm phát thải”, GS-TS Nhuệ cho biết.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, nếu ngành sản xuất xi măng chứng minh đủ năng lực xử lý toàn bộ bùn thải, chất thải làm nguyên, nhiên liệu đầu vào thì sẽ mở ra được hướng bảo vệ môi trường cho nhiều sông, hồ, ao. Ngay tại Hà Nội, các hệ thống sông Tô Lịch, Sét, Lừ, Kim Ngưu; các hồ (gần 100 hồ ở nội thành và 50 ngoại thành Hà Nội) như: hồ Tây, Hoàn Kiếm, Ngọc Khánh, Văn Chương, Nghĩa Tân, Hoàng Cầu, Giảng Võ, Văn Quán… cũng đang là bài toán đau đầu về ô nhiễm bùn thải.

Một số sông, hồ ở Hà Nội trong giai đoạn 2016 – 2019 đã được xử lý làm sạch bằng chế phẩm Redoxy-3C, nhưng kết quả không triệt để như đã biết.

Chưa kể, lượng bùn thải tại các khu công nghiệp, làng nghề cũng sẽ được mở ra hướng xử lý theo đúng định hướng kinh tế tuần hoàn, làm đầu vào cho sản xuất xi măng, vừa làm sạch môi trường, tiết kiệm được chi phí xử lý chất thải.

Đại diện Bộ TN-MT thông tin, quy định pháp luật hiện nay không cấm nhà máy sản xuất xi măng xử lý chất thải, bùn thải, chất thải công nghiệp thông thường.

Thậm chí, theo định hướng đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn thì đầu ra của ngành này là đầu vào của ngành kia và nhà nước rất khuyến khích. Tuy nhiên, không phải nhà máy sản xuất xi măng nào cũng có thể tham gia quá trình đồng xử lý chất thải, bùn thải mà phải có đề án, đầu tư công nghệ, thử nghiệm, chứng minh đảm bảo.

Hiện, trên phạm vi cả nước đã có một số nhà máy sản xuất xi măng đáp ứng được và đã được cho phép tham gia đồng xử lý chất thải, trong đó có một số đơn vị của VICEM.