Huyện Đồng Hỷ có nhiều nông sản đặc trưng, trong đó, một số sản phẩm đã tạo được chỗ đứng nhất định trên thị trường. Để khai thác tiềm năng, lợi thế, gia tăng giá trị các loại nông sản này, trong Đề án phát triển nông nghiệp huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Đồng Hỷ xác định một số sản phẩm chủ lực. Từ đó, áp dụng đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thu hút, hỗ trợ chủ thể phát triển sản xuất, kinh doanh.
Một trong những sản phẩm chủ lực được huyện Đồng Hỷ lựa chọn tập trung đầu tư là cây chè và các sản phẩm từ chè. Theo số liệu thống kê, đến năm 2021, diện tích chè của toàn huyện đạt gần 4.000ha, sản lượng búp tươi đạt trên 42.000 tấn. Giá chè búp khô truyền thống trên địa bàn huyện dao động từ 120-150 nghìn đồng/kg chè búp khô. Còn với các vùng chè được chứng nhận VietGAP, giá chè búp khô ổn định từ 250-350 nghìn đồng/kg. Diện tích chè sản xuất theo quy trình VietGAP của huyện Đồng Hỷ tập trung tại các xã Hòa Bình, Minh Lập, Văn Hán và thị trấn Sông Cầu.
Tại xã Văn Hán, nơi có diện tích và chất lượng chè thuộc hàng tốp của huyện Đồng Hỷ, mặc dù thổ nhưỡng, khí hậu rất thích hợp với loại cây trồng này nhưng sản phẩm chè của xã vẫn chưa có thương hiệu, giá bán trên thị trường khá thấp so với những vùng chè khác của tỉnh.
Ông Nguyễn Xuân Hiền, Chủ tịch UBND xã Văn Hán, chia sẻ: Một số hợp tác xã đã được thành lập ở địa phương để tạo ra sản phẩm chè tiêu chuẩn cao, đồng thời xây dựng thương hiệu chè Văn Hán. Tuy nhiên, tất cả mới đang ở giai đoạn "chập chững". Chúng tôi mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm đưa ra chính sách hỗ trợ thiết thực trong quá trình sản xuất, chế biến chè ở địa phương, đặc biệt là có những hỗ trợ về chỉ dẫn địa lý để tăng cường quảng bá thương hiệu chè của xã.
Không chỉ cây chè, Đồng Hỷ cũng là một trong những địa phương có diện tích trồng cây ăn quả lớn của tỉnh. Những năm qua, huyện đã thực hiện quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với những vùng có điều kiện phù hợp nhất để trồng cây ăn quả tập trung theo hướng hàng hóa. Một số địa phương đã chuyển đổi và hình thành các vùng trồng nhãn ghép, cải tạo giống nhãn có năng suất, chất lượng cao như: Hóa Thượng, Hóa Trung, Khe Mo. Đặc biệt, trên địa bàn huyện đã hình thành được vùng trồng cây có múi tại các xã: Văn Hán, Tân Long, Khe Mo... Qua đó, đưa giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng cây ăn quả đạt trên 200 triệu đồng/năm, tăng 90 triệu đồng/ha/năm so với năm 2015, cao hơn 97 triệu đồng/ha so với diện tích đất trồng trọt khác trên địa bàn.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, người dân trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã mạnh dạn đầu tư, phát triển theo hướng quy mô trang trại, gia trại. Toàn huyện hiện có 4 doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm; 115 trang trại chăn nuôi gia cầm, lợn. Đặc biệt, trên địa bàn đang triển khai Dự án chăn nuôi lợn, gà công nghệ cao kết hợp trồng cây lâu năm và sản xuất phân vi sinh tại xã Minh Lập, với quy mô trên 300ha của Công ty TNHH Một thành viên Trọng Khôi.
Theo đó, Dự án sẽ xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn sinh sản với quy mô 9.600 con, lợn thịt 80 nghìn con và 650 nghìn con gà… Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ, cho rằng: Khi Dự án đi vào hoạt động sẽ tạo thêm việc làm cho người lao động, phù hợp với định hướng phát triển thực phẩm sạch và hiện đại hoá nền nông nghiệp của Đồng Hỷ.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển các sản phẩm có lợi thế của huyện Đồng Hỷ còn một số hạn chế như: Nguồn lực ưu tiên tập trung cho phát triển các sản phẩm chủ lực chưa nhiều; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn giá trị gia tăng cao; việc áp dụng các kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến còn chậm...
Để khắc phục những tồn tại trên, ông Vũ Quang Dũng, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ, cho biết: Giải pháp trọng tâm của huyện là tiến hành rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm theo liên kết chuỗi cung ứng an toàn của từng địa phương. Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về đất đai và sản phẩm chủ lực, chúng tôi sẽ tiếp tục xúc tiến, mời gọi, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp có tiềm lực, kinh nghiệm trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản để thúc đẩy phát triển các sản phẩm thế mạnh…