Cải cách điều kiện kinh doanh trở thành trọng tâm chính sách của Chính phủ từ năm 2018 đến nay và tiếp tục được nhấn mạnh trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. Đáng tiếc, trong năm 2021, vẫn có tỷ lệ khá lớn số doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do vấp phải những phiền hà về cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện và thủ tục liên quan lĩnh vực đất đai.
Việc gia tăng điều kiện kinh doanh không chỉ tác động rất lớn đến doanh nghiệp và thị trường mà nguy hiểm hơn, nâng cao điều kiện kinh doanh trong khi chưa đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng trên nhiều phương diện sẽ dẫn đến sự hoài nghi của doanh nghiệp đối với hoạt động cải cách thể chế mà Nhà nước đang theo đuổi.
Nhiều cách “cài cắm”
Mặc dù dự thảo Thông tư hướng dẫn ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm do Bộ Y tế chắp bút, nhưng khi góp ý dự thảo, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phải gửi kiến nghị đến bốn bộ trưởng, gồm Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Công thương và Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ để thuyết phục rằng, nhiều quy định đưa ra không phù hợp thông lệ quốc tế, không cần thiết và có thể tạo ra rào cản đối với doanh nghiệp.
Thí dụ, yêu cầu phải ghi bảy chỉ tiêu dinh dưỡng (năng lượng, đạm, chất béo, chất béo bão hòa, carbohydrat,…) theo cả hai cách gồm số lượng và tỷ lệ phần trăm (%) giá trị dinh dưỡng tham chiếu. Trong khi đó, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia chỉ yêu cầu 4-5 chỉ tiêu và ghi theo số lượng. Mẫu ghi nhãn theo yêu cầu của dự thảo cũng rất phức tạp vì phải ghi song ngữ, chú thích dài dòng, khó thực hiện đối với các bao bì có diện tích nhỏ.
VASEP tính toán, nếu thực hiện chỉ tiêu ghi nhãn nhiều hơn so với Nhật Bản, riêng tiền kiểm nghiệm của doanh nghiệp Việt Nam sẽ tốn kém thêm 381 tỷ đồng trong năm đầu và 127 tỷ đồng mỗi năm tiếp theo. Điều đáng ngại khác là lộ trình thực hiện quy định mới lại quá ngắn, không đủ thời gian vật chất cho doanh nghiệp xoay chuyển.
Điều này có thể dẫn đến khả năng hàng hóa đang lưu thông trên thị trường sẽ bị thu hồi do không đáp ứng yêu cầu ghi nhãn của thông tư mới, gây tốn kém hàng chục nghìn tỷ đồng. Hơn nữa, một số loại thực phẩm thông dụng trên thị trường như bánh chưng, bánh tét, bánh dày,… của các hộ gia đình sản xuất thủ công sẽ không có khối lượng và thành phần chính xác để ghi nhãn hàng hóa, chiếu theo thông tư mới sẽ bị cấm bán, vô hình trung đánh thẳng vào sinh kế của nhiều người lao động.
Vì vậy, VASEP đề nghị Bộ Y tế cần nghiên cứu, đánh giá việc bắt buộc ghi cả bảy chỉ tiêu và phải ghi theo cả hai cách sẽ đem lại lợi ích gì, hay gây thiệt hại gì so với bốn chỉ tiêu và ghi theo một cách như các nước đã nêu trên để có cơ sở khoa học nhằm hoàn thiện dự thảo.
Những kiến nghị tương tự như của VASEP có xu hướng gia tăng trong bối cảnh doanh nghiệp chồng chất khó khăn để phục hồi sau đại dịch Covid-19. Trong lĩnh vực quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông, có dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện đang trong thời hạn lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, doanh nghiệp.
Góp ý cho dự thảo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh đến nội dung về giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện. “Điều 16, khoản 2 của Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 quy định giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện sẽ được cấp kèm theo các điều kiện cụ thể. Nhưng Luật hiện hành cũng như dự thảo không quy định rõ các điều kiện cụ thể này là gì.
Các điều kiện này được hiểu là sự hạn chế quyền sử dụng tần số của doanh nghiệp được cấp, cũng chính là hạn chế quyền tài sản của doanh nghiệp”, VCCI chỉ rõ điểm chưa hợp lý và đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung rõ quy định các điều kiện cụ thể trong giấy phép vào trong luật, vì theo quy định của Hiến pháp năm 2013, việc hạn chế quyền chỉ được quy định trong luật chứ không phải văn bản dưới luật.
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm tại siêu thị. (Ảnh HÀ THU)
Còn mối lo của các doanh nghiệp liên quan ngành công thương nằm ở dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 113/2017/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất. Theo đó, Bộ Công thương muốn bổ sung yêu cầu về thời hạn của Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp và thời hạn này do Bộ Công thương quy định.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra điểm bất hợp lý của dự thảo là Nghị định 113/2017/NĐ-CP đã yêu cầu doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất có trách nhiệm duy trì đủ điều kiện quy định trong suốt quá trình hoạt động, nếu không sẽ bị thu hồi. Cho nên, việc bổ sung thời hạn giấy phép là tăng thêm điều kiện kinh doanh, gây rào cản cho doanh nghiệp.
“Hiện tượng giấy phép con, biến tướng của điều kiện kinh doanh đã manh nha xuất hiện trong các dự thảo thông tư, nghị định mà các bộ đang làm gần đây. Doanh nghiệp có thể mất đi cơ hội kinh doanh bởi những cách “cài cắm” kiểu như vậy”, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung lo ngại.
Dư địa để thúc đẩy tăng trưởng
Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 do VCCI công bố mới đây ghi nhận chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương trong cả nước đã cải thiện đáng kể. Nhưng hạn chế dai dẳng trong suốt 17 năm thực hiện điều tra và công bố PCI, điển hình là vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhiều doanh nghiệp phản ánh vẫn gặp phiền hà với một số lĩnh vực như thuế, phí, đất đai, bảo hiểm xã hội, xây dựng và việc tuân thủ các thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện thật sự là một gánh nặng.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận khoản chi không chính thức để có được giấy phép kinh doanh trong một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2022 do VCCI công bố cũng cho thấy, vẫn có nhiều thông tư ban hành điều kiện kinh doanh, điều này trái với quy định của Luật Đầu tư.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, có những quy định tưởng là nhỏ nhưng sẽ trở thành rào cản, gây khó khăn đáng kể cho hoạt động sản xuất, kinh doanh vì liên quan đến hoạt động hằng ngày, thường xuyên của doanh nghiệp. Việc gia tăng điều kiện kinh doanh không chỉ tác động lớn đến doanh nghiệp và thị trường mà nguy hiểm hơn, nâng cao điều kiện kinh doanh trong khi chưa đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng trên nhiều phương diện sẽ dẫn đến sự hoài nghi của doanh nghiệp đối với hoạt động cải cách thể chế mà Nhà nước đang theo đuổi.
Trong khi các động lực tăng trưởng chưa thể bật lên như kỳ vọng để thúc đẩy phục hồi kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cho rằng, trong ngắn hạn và cả trung hạn, dư địa rất lớn cho tăng trưởng nằm ở việc quyết liệt thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính để thật sự “cởi trói” các nguồn lực trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài trở lại mạnh mẽ như trước đại dịch. Đây là giải pháp phi tài chính, không tốn tiền, dễ làm nhưng phải có sự quyết tâm từ những người đứng đầu để tạo ra áp lực phải thay đổi trong cả hệ thống chính trị.