Ngân hàng Standard Chartered vừa công bố Báo cáo nghiên cứu toàn cầu mới nhất với tiêu đề "Việt Nam-RCEP: Cơ hội và thách thức", trong đó nhận định việc trở thành thành viên của Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tiếp tục củng cố vị thế thương mại của Việt Nam và góp phần vào quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19 trong năm nay.
Theo TTXVN, Báo cáo cho biết các ngành hàng xuất khẩu chính dự kiến được hưởng lợi từ RCEP gồm công nghệ thông tin, dệt may, giày dép, nông nghiệp, ô-tô và viễn thông.
RCEP dự kiến xóa bỏ khoảng 90% thuế quan đối với thương mại giữa các bên ký kết trong vòng 20 năm. Về lâu dài, RCEP có thể tạo cơ sở cho một chuỗi cung ứng mới trong khu vực, trong đó Việt Nam đóng vai trò chủ chốt. Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trung bình hằng năm ở mức 6-7% trong giai đoạn 2021-2030. Theo Báo cáo của Standard Chartered, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm 98% tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam và đóng góp 40% GDP, sẵn sàng hưởng lợi vì Hiệp định mang lại cơ hội cho họ tăng cường chuỗi giá trị. Tuy nhiên, ký kết RCEP cũng đồng nghĩa Việt Nam có nguy cơ phải cạnh tranh gay gắt hơn, cả về thị trường xuất khẩu và nội địa.
Ðối với xuất khẩu, Hiệp định làm tăng sự cạnh tranh từ các nước Ðông Nam Á khác, một số nước có thế mạnh về loại hình sản phẩm tương tự như Việt Nam. Theo thời gian, điều này có thể thúc đẩy Việt Nam chuyển sang lĩnh vực sản xuất công nghệ cao. Standard Chartered cho rằng, RCEP nên tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình này, giúp dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu chất lượng cao từ các nước thành viên khác và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường đối với hàng hóa có giá trị gia tăng cao hơn. Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ vai trò là một trung tâm sản xuất thay thế khi các công ty áp dụng chiến lược đa dạng hóa nguồn cung.
Các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Standard Chartered kỳ vọng thặng dư tài khoản vãng lai mạnh và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ vẫn là những trụ cột chính hỗ trợ đồng tiền của Việt Nam về lâu dài. RCEP có khả năng thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu của Việt Nam, hỗ trợ cán cân tài khoản vãng lai và giúp tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo phân tích những cơ hội và thách thức của RCEP đối với nền kinh tế của các quốc gia thành viên. Theo các chuyên gia WB, Việt Nam có thể là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ RCEP.
Thỏa thuận về việc thành lập khu thương mại tự do lớn nhất thế giới này đã được ký kết tại Hà Nội tháng 11/2020 và có hiệu lực ngày 1/1/2022. RCEP bao gồm 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do, gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. 15 quốc gia này chiếm gần một phần ba tổng GDP, cũng như dân số toàn cầu và một phần tư thương mại hàng hóa toàn cầu.