Tạo điều kiện, khuyến khích người dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chú trọng phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân... Đó là những giải pháp mà xã Xuân Phương (Phú Bình) đã và đang triển khai nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, làm đòn bẩy xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao.
Với những sản phẩm tinh xảo cùng chất lượng và giá cả hợp lý, Làng nghề truyền thống mộc mỹ nghệ Phương Độ, xã Xuân Phương ngày càng được đông đảo khách hàng biết đến. Đi thực tế tại cơ sở sản xuất của gia đình anh Dương Đình Tuyến, chúng tôi quan sát thấy các loại bàn ghề, kệ, giường, tủ… được bày bán khá đẹp mắt. Anh Tuyến chia sẻ: Trung bình một năm, nhà tôi tiêu thụ khoảng 70m3 gỗ đóng thành các sản phẩm. Vài năm trở lại đây, chúng tôi đã đầu tư máy chạm khắc gỗ, công việc nhàn hơn, chi phí nhân công cũng giảm. Đơn cử như trước đây, để đục chạm trổ được 1 bộ bàn ghế tinh xảo, chúng tôi phải thuê nhân công làm trong vài ngày, chi phí hết 2 triệu đồng. Giờ đây, có máy chạm khắc gỗ điều khiển bằng vi tính, chi phí giảm xuống còn khoảng 800 nghìn đồng và khách đặt ngày hôm trước thì hôm sau đã có hàng.
Cùng với gia đình anh Tuyến, Làng nghề truyền thống mộc mỹ nghệ Phương Độ hiện có gần 60 hộ tham gia sản xuất, kinh doanh nghề mộc, tạo việc làm ổn định cho 300 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình 8 triệu đồng/người/tháng. Thời gian qua, nhiều hộ đã đầu tư chuyên sâu, mở rộng diện tích quy mô, thay đổi công nghệ, mẫu mã sản phẩm để phù hợp với thị hiếu của khách hàng và xu thế phát triển của thị trường.
Làng nghề truyền thống mộc mỹ nghệ Phương Độ, xã Xuân Phương (Phú Bình) hiện đang tạo việc làm ổn định cho gần 300 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng.
Nhờ duy trì chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, sản phẩm của Làng nghề không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh như: Bắc Giang, Tuyên Quang, TP. Hà Nội… Mỗi hộ sản xuất đạt doanh thu hàng tỷ đồng/năm. Với những lợi thế trong phát triển Làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ, hiện nay, UBND xã Xuân Phương đang định hướng rà soát, xây dựng sản phẩm này trở thành sản phẩm OCOP nhằm nâng tầm thương hiệu.
Cùng với ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, xã cũng quan tâm phát triển sản xuất nông nghiệp. Hàng năm, xã phối hợp với các đơn vị chuyên môn triển khai nhiều lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi. Xác định sản phẩm chủ lực là lúa chất lượng cao và lúa đặc sản nếp Thầu Dầu, những năm qua, xã đã xây dựng được nhiều mô hình liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, HTX sản xuất tương trên địa bàn huyện. Mặt khác, bà con cũng từng bước thay đổi tập quán canh tác, các giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao được đưa vào gieo cấy, hình thành cánh đồng một giống, áp dụng tiến bộ khoa học, cơ giới hóa trong sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu ở các xóm: Giữa, Ngoài và xóm Hin.
Xã cũng tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Từ đó, thu nhập bình quân của nhân dân địa phương tăng đáng kể, hiện nay đạt 65 triệu đồng/người/năm (tăng 7 triệu đồng so với năm 2020). Xã phấn đấu đến cuối năm 2022 giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 6,36% xuống còn dưới 5%.
Kinh tế từng bước phát triển, đời sống của người dân được cải thiện, tạo đòn bẩy để xã xây dựng NTM nâng cao. Hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất được ưu tiên đầu tư. Trên 80% đường liên xóm được bê tông hóa, 60% đường trục chính nội đồng được cứng hoá. Hiện nay, xã đang hoàn thiện hạ tầng điểm dân cư nông thôn mới hiện đại, văn minh với diện tích 3,8ha, quy mô dân số khoảng 1.300 người. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng cao, tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết, các nét đẹp văn hóa truyền thống được khôi phục, phát huy.
Đồng chí Dương Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Để phấn đấu về đích xã NTM nâng cao, ngay từ đầu năm nay, chúng tôi đã kiện toàn Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM của xã. Ban Chỉ đạo tích cực tuyên truyền, triển khai các nội dung của Chương trình; đồng thời phát động phong trào thi đua toàn dân chung sức xây dựng NTM nâng cao. Cùng với đó, xã tập trung rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn theo các nhóm tiêu chí; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Đối với các thành viên Ban Chỉ đạo được phân công bám sát cơ sở, chủ động nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân để kịp thời phát hiện, giải quyết những vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao…
Theo kết quả rà soát 6 tháng đầu năm, xã Xuân Phương hiện đạt 12/19 tiêu chí NTM nâng cao. Các tiêu chí chưa đạt gồm: Quy hoạch, giao thông, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, giáo dục, môi trường và chất lượng môi trường sống. Từ nay đến cuối năm thời gian không còn nhiều, trong khi khối lượng công việc lớn. Vì vậy, địa phương sẽ tập trung hoàn thiện thủ tục đề nghị cấp trên hỗ trợ xi măng để nâng cấp các tuyến đường giao thông, đường nội đồng ở các xóm Kiều Chính, Tân Sơn 8, Tân Sơn 9, Hòa Bình. Đối với các tiêu chí khác chưa đạt, xã cũng sẽ triển khai nhiều giải pháp thích hợp, hiệu quả để sớm hoàn thành.