Nhiều năm qua, cây chè được coi là cây kinh tế chủ lực, không chỉ giúp nhiều người dân Tân Linh (Đại Từ) thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng. Nhưng, phải thẳng thắn nhìn nhận một thực tế, thương hiệu chè Tân Linh chưa thực sự có tiếng vang trên thị trường như chè La Bằng, chè Tân Cương hay chè Trại Cài... Chưa thể tạo vị thế vững chắc cho sản phẩm chè, nông dân Tân Linh đã vận dụng linh hoạt các mô hình kinh tế khác để tận dụng lợi thế về đất đai, góp phần nâng cao thu nhập. Nuôi ong lấy mật là một trong những mô hình như vậy.
Anh Nguyễn Đăng Tự, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Linh, cho biết: Với mong muốn giúp người dân nâng cao thu nhập ngoài cây chè, tôi đã đi tham quan nhiều mô hình kinh tế và quyết định lựa chọn mô hình nuôi ong lấy mật để triển khai tại xã. Bởi các lý do: Việc đầu tư nuôi ong không cần nhiều vốn; kỹ thuật chăm sóc đơn giản, lại phù hợp với mọi lứa tuổi lao động. Trong khi các điều kiện về môi trường, thổ nhưỡng, khí hậu, cây trồng... ở Tân Linh cũng rất thuận lợi cho đàn ong phát triển. Để người dân tin tưởng vào mô hình, tôi tiên phong nuôi 30 thùng ong mật.
Từ mô hình của anh Tự, đến nay, xã Tân Linh có hơn 100 hộ nuôi ong lấy mật, hộ ít thì 20 đàn, còn hộ nhiều nuôi khoảng 60 đàn. Để bà con có điều kiện trao đổi, truyền đạt kinh nghiệm, liên kết, hỗ trợ nhau trong việc tiêu thụ mật ong và xây dựng thương hiệu cho mật ong Tân Linh, anh Tự đã đứng ra thành lập Tổ nuôi ong xã Tân Linh thu hút hơn 20 hộ tham gia. Các hộ thành viên được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi ong và lấy mật đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cao. Anh Tự cho biết, sắp tới, Tổ chuẩn bị kết nạp thêm hội viên, vì có nhiều hộ đã đăng ký tham gia.
Để tìm hiểu thêm về nghề nuôi ong mật, chúng tôi đến tham quan mô hình của gia đình anh Phạm Văn Dương, xóm 8, xã Tân Linh. Anh Dương mau mắn dẫn chúng tôi ra khu đồi thoải sau nhà, ở đây, những thùng ong được đóng bằng gỗ hình chữ nhật, kê cách mặt đất khoảng 50cm và được xếp ngay ngắn, khoảng cách đều nhau dưới những tán cây bưởi.
Anh Dương phấn khởi: Gia đình tôi nuôi 60 thùng ong. Ngày trước, mọi chi tiêu trong nhà chỉ trông vào cây chè nên nhiều lúc cũng bí bó. Nay, nhờ nuôi ong, cuộc sống đã dư giả hơn trước nhiều. Từ ngày nuôi ong, mỗi năm, gia đình tôi có thêm khoản thu nhập kha khá - hơn 60 triệu đồng, trong khi công chăm sóc cũng như chi phí đầu tư nuôi ong rất thấp, chỉ khoảng 10-20 triệu đồng cho lần đầu tiên đóng thùng. Mật làm ra đến đâu, thương lái thu mua hết đến đó, với giá trung bình 150 nghìn đồng/lít.
- Tại sao anh không nuôi ong ở những bãi chè mà phải ở vườn cây ăn quả? Tôi thắc mắc.
Anh Dương giải thích: Ong là loài có tổ chức rất cao và nhạy cảm với các yếu tố bên ngoài. Không gian nuôi ong phải thoáng rộng, ít người qua lại. Nếu đặt ong ở vườn chè vừa khó khăn trong việc chăm sóc, thu hái chè, lại bất lợi cho đàn ong phát triển, làm mật.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong, anh Dương nói thêm: Thức ăn chính của ong là mật hoa. Vì thế, khi nuôi ong, trước hết phải tìm được địa điểm thích hợp có không gian rộng rãi, thoáng sạch, nhiều cây cối, hoa lá; không bị ảnh hưởng bởi khói, bụi, tiếng ồn, hóa chất độc hại... Khi dựng trại ong phải chú ý hướng gió, nếu chọn sai địa hình thì nguồn mật thu được rất ít. Thùng ong phải đặt nơi cao ráo, thoáng mát, đảm bảo vệ sinh. Đảm bảo các yếu tố trên, mới thu được nhiều mật và mật có chất lượng tốt. Đặc biệt, con ong rất nhạy cảm với các hóa chất độc hại có trong thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng cho cây… Bởi ong sẽ bị ngộ độc hoặc chết nếu hút phải mật tại những cây như vậy, kể cả với liều lượng rất ít.
Dừng lời, anh Dương tiến gần một thùng ong, nhẹ nhàng nhấc cầu ong, khéo léo bẻ một miếng sáp mời chúng tôi. Vị ngọt sắc, đậm đà, thơm mùi hương hoa hòa quyện nơi cuống họng. Hướng mắt nhìn về phía không gian rộng lớn với những thảm chè và rừng cây xanh ngút ngát, tôi tin tưởng bên cạnh lợi ích kinh tế, nuôi ong còn mang đến cho người dân nơi đây ý thức về việc hạn chế sử dụng các loại hóa chất có hại cho môi trường.