Phát triển kinh tế tập thể trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân

Theo nhandan.vn 18:16, 22/10/2022

Việc sửa đổi Luật Hợp tác xã nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Chiều 22-10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Bảo đảm tính hợp hiến, tương thích với các điều ước quốc tế

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh dự án Luật được xây dựng trên quan điểm bám sát, thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể ở nước ta trong thời gian tới; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, kế thừa tối đa các quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 còn phù hợp, đang có hiệu lực, hiệu quả; giữ vững các nguyên tắc cơ bản của hợp tác xã do Liên minh Hợp tác xã quốc tế đưa ra trong thế kỷ 21.

Theo đó, dự thảo Luật làm rõ nội dung 7 nguyên tắc của Liên minh Hợp tác xã quốc tế, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc về giáo dục, tập huấn thường xuyên cho thành viên, người lao động; mở rộng đối tượng tham gia tổ chức kinh tế hợp tác: Cá nhân từ 15 tuổi trở lên, tổ hợp tác, tổ chức không có tư cách pháp nhân; thành viên liên kết có góp vốn, thành viên liên kết không góp vốn.

Dự án Luật trình Quốc hội gồm 12 Chương, 111 Điều trong đó bãi bỏ 3 Điều, sửa đổi 65 Điều, bổ sung 49 Điều so với Luật Hợp tác xã năm 2012, bám sát 5 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua.

Ngoài ra, bổ sung quy định về quỹ chung không chia, yêu cầu trích lập vào quỹ chung không chia hằng năm tối thiểu 5% lợi nhuận từ các hoạt động giao dịch bên ngoài, do quỹ này mang tính đặc thù riêng của các tổ chức kinh tế hợp tác để hình thành và phát triển tài sản chung không chia.

Tài sản chung không chia được phép chuyển nhượng, định giá, thanh lý theo quy định của tổ chức kinh tế hợp tác và đưa vào quỹ chung không chia. Quỹ chung không chia và tài sản chung không chia không được chia lại cho thành viên trong quá trình hoạt động.

Dự thảo Luật cũng điều chỉnh tăng tỷ lệ góp vốn tối đa của thành viên hợp tác xã từ 20% lên 30% vốn điều lệ, của thành viên liên hiệp hợp tác xã từ 30% lên 40% vốn điều lệ. Đồng thời, bổ sung một Chương về chính sách phát triển đối với tổ chức kinh tế hợp tác, quy định nguyên tắc hỗ trợ các tổ chức kinh tế hợp tác không thấp hơn doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Quy định cụ thể các nội dung liên quan đến kiểm toán hợp tác xã

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững theo đúng tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Về tên gọi của dự án Luật, Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc giữ tên như đã đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 là Luật Hợp tác xã (sửa đổi), vì khái niệm hợp tác xã gắn liền với lịch sử phát triển của Việt Nam, được sử dụng thường xuyên trong công tác truyền thông, tuyên truyền, kể cả pháp luật dẫn chiếu đều thuận lợi và gần gũi với người dân, từ Luật Hợp tác xã năm 1996 đến Luật Hợp tác xã năm 2003 và Luật Hợp tác xã năm 2012.

“Việc giữ nguyên tên Luật là Luật Hợp tác xã một mặt vẫn bảo đảm bao quát mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với các loại hình hợp tác xã, mặt khác tránh việc thay đổi tên gọi dẫn đến các chi phí xã hội và hệ lụy phát sinh liên quan chưa đánh giá tác động hết được” - ông Thanh nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp.

Liên quan đến Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần làm rõ hơn quy định tại Điều 21 của dự thảo Luật về nguồn hình thành Quỹ, cơ chế vận hành Quỹ và cơ quan chịu trách nhiệm quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã ở Trung ương và ở cấp tỉnh. Đồng thời, làm rõ vai trò và chức năng của Quỹ để tránh chồng chéo, trùng lặp với vai trò và chức năng của Ngân hàng Hợp tác xã và Quỹ tín dụng nhân dân.

Về trích lập quỹ chung không chia, Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc quy định dự thảo Luật liên quan đến quỹ chung không chia chưa phản ánh rõ nét được việc trích lập quỹ chung không chia từ lợi nhuận do giao dịch bên ngoài; chưa cụ thể về cách thức quản lý và sử dụng quỹ chung không chia nhằm phát huy hiệu quả tài chính, chống thất thoát, tham nhũng, lãng phí để tạo sự yên tâm cho các thành viên hợp tác xã đồng thuận với việc để lại một phần thu nhập của mình đầu tư phát triển hợp tác xã.

Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu bổ sung điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể quy định tại điểm a khoản 3 Điều 71 về việc bàn giao tài sản chung không chia, quỹ chung không chia sau khi hợp tác xã giải thể, phá sản sang cho hợp tác xã khác, bảo đảm quyền quyết định của chủ sở hữu đối với tài sản, bảo đảm nguyên tắc trong việc bảo hộ quyền sở hữu đã được quy định tại Điều 32 của Hiến pháp, Bộ Luật Dân sự và nguyên tắc đã được quy định tại khoản 1 Điều 5 của dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, theo Ủy ban Kinh tế, dự thảo Luật quy định nhiều cơ chế, chính sách Nhà nước hỗ trợ cho hợp tác xã nhưng lại thiếu cơ chế đánh giá, kiểm tra, giám sát. Do đó, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể tại dự thảo Luật các nội dung liên quan đến kiểm toán hợp tác xã; cần làm rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm về việc cung cấp dịch vụ kiểm toán hợp tác xã.

Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc nghiên cứu việc xem kiểm toán hợp tác xã là một loại dịch vụ công và nghiên cứu giao cho hệ thống Liên minh Hợp tác xã thực hiện theo chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.