Nhu cầu thực phẩm tươi sống phục vụ thị trường Tết Nguyên đán đang tăng cao. Xác định đây là thời điểm dễ bùng phát, lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, do đó, thành phố Sông Công đã tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi.
Cán bộ phụ trách nông nghiệp tại các xã, phường trên địa bàn TP. Sông Công tăng cường bám cơ sở, tư vấn, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo chăn nuôi an toàn, hiệu quả. |
Theo thống kê, TP. Sông Công hiện có trên 20.000 con lợn; trên 3.000 con trâu, bò và hơn 1,2 triệu con gia cầm; 129 trang trại chăn nuôi gà, lợn quy mô vừa và nhỏ hoạt động hiệu quả.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thành phố đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi.
Trong năm 2022, tỷ lệ tiêm phòng vắc- xin trên đàn vật nuôi của thành phố đạt trên 80%; địa phương đã cấp hơn 500 lít hóa chất để tiêu độc, khử trùng tại các trang trại, gia trại, nơi công cộng, các tuyến đường giao thông, chợ. Tăng cường kiểm soát hoạt động giết mổ động vật, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn…
Bà Nghiêm Thị Bình, Phó Phòng Kinh tế TP. Sông Công, cho biết: Giữa tháng 12/2022, trên địa bàn đã xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại tổ dân phố Na Hoàng, phường Lương Sơn, với 16 con lợn mắc bệnh (tổng trọng lượng trên 1.800kg), buộc phải tiêu hủy. Xác định nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh thời điểm cuối năm là rất cao, vì thế, ngay sau khi xảy ra dịch bệnh, ngoài việc khẩn trương khoanh vùng ổ dịch, cách ly khu vực có mầm bệnh, vật nuôi nhiễm bệnh; vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng thường xuyên… thành phố cũng đã yêu cầu các địa phương tổ chức ký cam kết thực hiện “5 không” trong công tác phòng, chống dịch đối với các hộ, cơ sở chăn nuôi lợn, đặc biệt là các hộ đã có lợn ốm, chết. Hướng dẫn người dân chăn nuôi an toàn sinh học, theo mô hình VietGAP; theo dõi, giám sát đàn lợn, nếu phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc cần báo ngay cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.
Không chỉ riêng đàn lợn, công tác phòng, chống dịch bệnh đối với đàn gia cầm cũng được thành phố đặc biệt quan tâm. Trên cơ sở rà soát tổng đàn vật nuôi, cơ quan chuyên môn đã phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, giám sát dịch bệnh đến từng trang trại, hộ chăn nuôi, hộ ấp nở gia cầm.
Quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm tại địa phương để phát hiện nhanh các trường hợp gia cầm mắc bệnh, chết để có các biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, xử lý tốt chất thải chăn nuôi… tránh lây lan mầm bệnh và bảo vệ môi trường.
Anh Nguyễn Đình Phiến, chủ một trang trại chăn nuôi gà tại xã Bá Xuyên, cho hay: Để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2023, trang trại đã tái đàn hơn 5.000 con gà trắng. Trước đó, tôi đã đầu tư xây dựng trang trại theo mô hình khép kín, tự động hóa, có hệ thống kho dự trữ thức ăn, xử lý chất thải khép kín và lắp đặt hệ thống camera giám sát. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, tất cả người và phương tiện vận chuyển ra, vào khu vực chăn nuôi đều được kiểm soát chặt chẽ; công tác khử trùng tiêu độc được thực hiện thường xuyên...
Với sự chỉ đạo quyết liệt, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh nên ý thức phòng, chống, dịch bệnh trên đàn vật nuôi được nâng lên rõ rệt. Đến nay, trên địa bàn TP. Sông Công chưa phát sinh thêm ổ dịch mới, tình hình chăn nuôi ổn định.
Nhằm bảo vệ vật nuôi trước nguy cơ dịch bệnh, cơ quan chuyên môn của thành phố khuyến cáo người chăn nuôi cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. Thường xuyên cập nhật thông tin thị trường các sản phẩm chăn nuôi để có phương án tăng, giảm quy mô đàn phù hợp, bảo đảm chăn nuôi đạt hiệu quả...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin