Tình hình kinh tế - xã hội tháng đầu tiên của năm 2023 mặc dù vẫn có những tín hiệu tích cực nhưng đã bộc lộ rõ rất nhiều khó khăn, thách thức như dự báo.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH dệt nhuộm Jasan Việt Nam tại Khu công nghiệp Phố Nối B (Hưng Yên). |
Tín hiệu tích cực thể hiện ở việc đạt được các kết quả nổi bật như kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục xu hướng phục hồi, chuẩn bị hàng hóa cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, trong đó khu vực dịch vụ diễn ra khá sôi động.
Sản xuất nông, lâm, thủy sản đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước. Du lịch phục hồi nhanh, khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh so cùng kỳ. Thị trường tiền tệ bước đầu có mức tăng trưởng tích cực; bảo đảm thanh khoản của hệ thống ngân hàng; công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân tiếp tục được bảo đảm...
Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức đang ngày càng gia tăng cả từ bên ngoài và từ bên trong nền kinh tế; sức ép điều hành tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô tăng cao.
Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm so với tháng trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đều giảm so với tháng trước và so với cùng kỳ, cán cân thương mại hàng hóa mặc dù vẫn xuất siêu nhưng kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh hơn kim ngạch xuất khẩu.
Mức suy giảm của các chỉ số này có nguyên nhân ngày làm việc trong tháng 1/2023 ít hơn do có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng cũng cho thấy nền kinh tế đứng trước những khó khăn đang ảnh hưởng trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Thực tế này đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động đề ra các giải pháp điều hành mới, chính xác, kịp thời và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn, phù hợp diễn biến tình hình. Qua đó không làm tăng thêm và hóa giải các khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
Ðáng lưu ý, năm 2023 tình hình rất khó đoán định vì ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài, nhưng cũng đã le lói những ánh sáng cuối đường. Ðó là các chính sách thắt chặt tiền tệ, tài khóa của các nền kinh tế lớn bắt đầu phát huy tác dụng, giúp tốc độ lạm phát có dấu hiệu chững lại và sẽ đi xuống trong thời gian tới, làm giảm sức ép lên tỷ giá giữa các đồng nội tệ so với USD. Nhiều nền kinh tế lớn đã giảm dần việc tăng lãi suất điều hành...
Trong khó khăn chung của các yếu tố tác động từ cả bên trong và bên ngoài, Việt Nam vẫn đạt được kết quả tăng trưởng 8% trong năm 2022 vừa qua cho thấy chúng ta đã có kinh nghiệm trong đối phó sự bất ổn, nền kinh tế Việt Nam có sức chống chịu khá tốt trước các cú sốc từ bên ngoài.
Bản lĩnh điều hành cùng với những kết quả ban đầu về phục hồi kinh tế trong năm qua là bài học quý giá cho năm 2023 và những năm tiếp theo, đồng thời là điểm tựa để Việt Nam hóa giải được các thách thức, vươn lên phục hồi và phát triển kinh tế không chỉ riêng trong năm Quý Mão mà trong cả giai đoạn kế hoạch 2021-2025. Ðó cũng chính là cơ sở để các tổ chức nghiên cứu trong nước và nước ngoài vẫn giữ triển vọng lạc quan về kinh tế Việt Nam…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin