Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất đầu năm

Theo baotintuc.vn 10:33, 05/02/2023

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, nhiều doanh nghiệp đã trở lại nhịp sản xuất hối hả, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, vừa đảm bảo đúng tiến độ các hợp đồng xuất khẩu trong năm mới.

Công nhân làm việc tại công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN).
Công nhân làm việc tại công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN).

Nhịp sản xuất hối hả

Vừa trở lại với công việc trong ngày mùng 8 Tết, chị Lê Thị Mỹ Uyên, công nhân làm việc trong khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho biết, công ty bắt đầu làm việc từ 30/1 (tức mùng 8 tháng giêng). Tại xưởng của chị Uyên, công nhân trở lại làm việc đủ, chỉ vắng 1 người nghỉ phép. “Ngày đầu năm mới đến công ty, chúng tôi được lãnh đạo công ty lì xì đầu xuân, nên ai cũng cảm thấy phấn chấn. Hy vọng một năm mới công ty ngày càng phát triển để chúng tôi có thêm nhiều việc làm và thu nhập cao hơn”, chị Lê Thị Mỹ Uyên phấn khởi nói.

Với tỷ lệ lao động trở lại làm việc cao, đơn hàng dồi dào, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp trên cả nước đã bắt tay ngay vào sản xuất, kinh doanh với khí thế sôi nổi, tinh thần quyết tâm cao và chủ động tăng tốc ngay từ đầu năm, góp phần hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Tại Công ty Vĩnh Thành Đạt, tính đến nay, tỉ lệ lao động đã quay trở lại đạt 95% với tâm lý ổn định. Doanh nghiệp cũng nhận nhiều đơn hàng đầu năm mới để phục vụ nhu cầu tiêu dùng sau Tết.

Tương tự, công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN), người lao động đã quay trở lại làm việc từ ngày mùng 3-4 Tết Nguyên đán, tính đến nay tỉ lệ lao động quay trở lại làm việc đạt 98%.

Công ty Tân Quang Minh trở lại sản xuất từ mùng 4 Tết với con số xấp xỉ 100% công nhân đến làm việc. Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty Tân QuangMinh cho biết: “Chúng tôi dồn lực lượng sản xuất với quyết tâm đạt sản lượng cao nhất ngay từ tháng đầu năm. Sau Tết, chúng tôi tiếp tục sắp xếp lại sản xuất để đạt hiệu quả cao hơn”.

Theo ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất, khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh, đầu năm mới các doanh nghiệp đã tăng tốc sản xuất trở lại. Tết Nguyên đán vừa qua, dù gặp không ít khó khăn, nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều tăng tiền lương, thưởng Tết để giữ chân lao động.

Khảo sát nhiều doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh cho thấy, đa số các doanh nghiệp đều sản xuất trở lại từ mùng 8 Tết. Riêng các doanh nghiệp dệt may thiếu khoảng 5 - 10% công nhân do một số lao động về quê sau đại dịch chưa kịp trở lại.

Tại tỉnh Bình Dương, Liên đoàn Lao động tỉnh và Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết, hiện nay một số doanh nghiệp lớn có tỉ lệ người lao động trở lại cao hơn năm trước, đạt trên 92%.

Còn theo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai hiện nay đã có khoảng 95 - 96% lao động đã quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết, đáng chú ý có doanh nghiệp đạt gần 100% lao động đi làm. Tại tỉnh Long An tỉ lệ lao động quay trở lại làm việc cũng đạt 92% và tỉnh Bình Phước có 91% lao động trở lại làm việc....

Các công ty tại TP Hồ Chí Minh  ra quân sản xuất sớm để tăng tốc sản xuất trong năm 2023.
Các công ty tại TP Hồ Chí Minh ra quân sản xuất sớm để tăng tốc sản xuất trong năm 2023.

Chinh phục mục tiêu 2023

Ngay sau kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, cán bộ, công nhân viên Tổng công ty May 10 đã bắt lại nhịp sản xuất. Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, năm 2023 dự báo tình hình thị trường trongvà ngoài nước tiếp tục khó khăn. Để bảo đảm sản xuất kinh doanh ổn định và phát triển, May 10 đặt mục tiêu đạt doanh thu 4.500 tỷ đồng, lợi nhuận 120 tỷ đồng, thu nhập bình quân 9,4 triệu đồng/ người/tháng.

May 10 tập trung vào công tác thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Đi cùng với đó, đơn vị sẽ tìm kiếm khách hàng mới, sản phẩm mới bên cạnh khai thác tối đa các mặt hàng truyền thống như áo sơ mi, veston, jacket...

Tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết, năm 2022 đánh dấu sự trưởng thành của Rạng Đông trong hoạt động đổi mới sáng tạo. Cũng từ năm 2022, Rạng Đông bước vào giai đoạn 2 của chuyển đổi số, kết nối các modul đã được số hóa từng phần trong tất cả lĩnh vực hoạt động, đồng bộ hóa từng phần, tiến tới đồng bộ hóa toàn phần, với mục tiêu tăng trưởng 25-30% (giai đoạn 2023-2025. Giai đoạn 3 (2024-2025) sẽ xây dựng nhà máy sản xuất thông minh, linh hoạt trong môi trường thực - số.

Cũng theo ông Kết, với những kết quả đạt được trong năm qua, năm 2023, 2.400 cán bộ, công nhân viên công ty đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất là 25% và phấn đấu lên mức 30%, kiến tạo nền tảng cho bước phát triển mới của Rạng Đông với sự kiên định con đường phát triển bằng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, có nhiều dấu hiệu tích cực với ngành da giày ngay từ những ngày đầu năm. Nhiều doanh nghiệp đã đủ đơn hàng của quý I và một số doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng cho cả quý 2. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sẽ được triển khai.

Cũng theo bà Xuân, cả ba thị trường lớn của ngành da giày Việt Nam là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đều đang phục hồi. Năm 2023, ngành da giày đặt hy vọng tăng trưởng mạnh ở thị trường châu Âu khi khai thác lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do. Để thực hiện được mục tiêu này, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động...