Hòa Bình mở hướng đi lên

Minh Phương 10:24, 04/02/2023

Tập trung tái cơ cấu nông nghiệp; tăng giá trị chăn nuôi; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm… Đó là những định hướng của xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) trong phát triển kinh tế thời gian tới.

Mô hình chăn nuôi gà thịt của gia đình anh Trần Văn Kiên, xóm Trung Thành mỗi năm thu lãi từ 100 - 150 triệu đồng/lứa.
Mô hình chăn nuôi gà thịt của gia đình anh Trần Văn Kiên, ở xóm Trung Thành, cho thu lãi từ 100 đến 150 triệu đồng/lứa.

Ông Hoàng Hồng Nhật, Chủ tịch UBND xã Hoà Bình, cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã tranh thủ các nguồn lực để hỗ trợ bà con thực hiện mô hình phát triển kinh tế theo hướng liên kết, đưa cơ giới hóa vào sản xuất… Tuy nhiên, một số mô hình kinh tế được hỗ trợ đầu tư chưa phát huy hết hiệu quả do ruộng đất còn manh mún nhỏ lẻ, khó khăn cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Công tác đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu của thị trường, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo chưa cao, trình độ tay nghề và năng suất lao động còn thấp.

Bên cạnh đó, hiệu quả hoạt động của một số hợp tác xã (HTX) còn hạn chế, chưa đảm bảo vai trò dẫn dắt kinh tế hộ; việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân - HTX - doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, nhu cầu hợp tác sản xuất còn thấp, có nơi còn hình thức…

Trước những khó khăn trên, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo chuyển biến căn bản trong tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, đưa kinh tế nông nghiệp phát triển theo chiều sâu gắn với thị trường tiêu thụ và hiệu quả sản xuất. Cùng với tích cực chuyển đổi giống cây trồng chủ lực như: chè, lúa và ngô, thời gian qua, người dân xã Hoà Bình còn chuyển hướng sang phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô gia trại, trang trại.

Một trong những mô hình chăn nuôi tiêu biểu của xã Hòa Bình chúng tôi được giới thiệu đến thực tế là gia đình anh Trần Văn Kiên, xóm Trung Thành. Mỗi năm, gia đình anh Kiên xuất bán 3 lứa gà thịt, mỗi lứa nuôi trung bình từ 4.000 con trở lên. Sau 3 tháng chăn nuôi, khi gà đạt 2,6-2,8kg/con, gia đình xuất bán, thu khoảng 200-300 triệu đồng/lứa. Sau khi trừ chi phí, anh Kiên thu lãi 100-150 triệu/lứa.

Theo anh Kiên, việc chăn nuôi gà thịt đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với một số vật nuôi khác và cũng ít rủi ro hơn. Bởi chi phí để chăm sóc gà thịt không quá lớn, nguồn thức ăn dễ kiếm, có thể chủ động được.

Ngoài chăn nuôi gia cầm, người dân Hoà Bình còn lựa chọn chăn nuôi trâu, bò, lợn, dê để phát triển kinh tế. Tổng đàn trâu bò của xã hiện đạt trên 300 con, đàn lợn 1.200 con, đàn gia cầm 150.000 con, đàn dê gần 200 con… Đặc biệt, tháng 9/2022, xã Hòa Bình đã thành lập HTX dịch vụ thương mại nông nghiệp Hoà Bình với 12 thành viên chuyên chăn nuôi ong lấy mật. Hiện HTX có trên 400 đàn ong, sản lượng đạt trung bình từ 3-4 tấn/năm, với giá bán 150 nghìn đồng/lít mật loại 1; 130 nghìn đồng/lít mật loại 2 và 100 nghìn đồng/lít mật loại 3.

Ông Đoàn Văn Tiến, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX dịch vụ thương mại nông nghiệp Hoà Bình, chia sẻ: Trước đây, HTX chỉ là tổ hợp tác giữa một số người chung sở thích. Từ khi thành lập HTX, chúng tôi có điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm nghề nuôi ong tới bà con địa phương. Theo tính toán, chỉ cần một hộ nuôi từ 50 đến 100 đàn ong cũng có thể cho thu nhập khoảng 50-60 triệu đồng/năm. Nghề này rất phù hợp với lứa tuổi 60 trở lên. Chúng tôi hy vọng nghề nuôi ong lấy mật sẽ được nhân rộng ở địa phương, bởi Hoà Bình có lợi thế diện tích rừng tự nhiên lớn, riêng khu Khe Ngoã thuộc xóm Đồng Cẩu có diện tích 200-300ha; xóm Tân Đô có khu Khe Mai, Chòi Thượng, Đát Bằng điện tích 200-300ha…

Từ những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, xã Hoà Bình tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích người dân xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa kinh tế hộ với doanh nghiệp, với thị trường để đưa nông nghiệp lên sản xuất quy mô lớn hơn, có giá trị cao hơn. Đồng thời, nhân rộng mô hình chăn nuôi gà, lợn an toàn sinh học; tích cực tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông, lâm nghiệp thế mạnh của địa phương…