Nhã Lộng đi đúng hướng để phát triển kinh tế

Vi Vân 07:34, 17/02/2023

Phát huy lợi thế về vị trí địa lý, thổ nhưỡng và nguồn nhân lực, khoảng 5 năm trở lại đây, xã Nhã Lộng (Phú Bình) đã tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, thương mại - dịch vụ theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm. Qua đó từng bước nâng cao thu nhập, đời sống cho bà con nhân dân.

HTX Bình Minh (HTX chuyên sản xuất các loại rau ăn lá), ở xóm Náng, xã Nhã Lộng có 7ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
HTX Bình Minh, ở xóm Náng, xã Nhã Lộng (Phú Bình) có 7ha rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhã Lộng, cho biết: Cả xã có trên 400ha đất dành cho sản xuất nông nghiệp, trong đó sản xuất rau chiếm tới 50%. Địa phương cũng có dòng sông Cầu chảy qua, người dân có kinh nghiệm trồng rau… Do đó, thời gian qua, xã đã tích cực tuyên truyền bà con tận dụng diện tích soi bãi để trồng những loại rau phù hợp; phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn, hỗ trợ bà con trồng rau theo hướng an toàn, VietGAP. Ngoài phát triển cây rau, với lợi thế có Quốc lộ 37 chạy qua (khoảng 3km), xã cũng định hướng các hộ dân tập trung phát triển thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp nhằm tăng thu nhập.

Theo chị Nguyễn Thị Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Bình Minh, ở xóm Náng (chuyên sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP): Trước đây, bà con trong xóm chỉ trồng rau theo kinh nghiệm, không tuân thủ theo quy trình sản xuất an toàn nên giá bán sản phẩm không cao và phụ thuộc nhiều vào thị trường. Từ khi được thành lập, HTX đã tuyên truyền, hướng dẫn bà con sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, HTX có diện tích 10ha trồng các loại rau ăn lá, trong đó có 7ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm của chúng tôi được một số siêu thị, cửa hàng trên địa bàn tỉnh đặt mua với số lượng lớn.

Theo thống kê, bình quân mỗi năm, sản lượng rau của xã Nhã Lộng bán ra thị trường đạt khoảng 3.600 tấn (năm 2018 là khoảng 2.000 tấn). Qua đó, góp phần nâng giá trị sản phẩm trên 1ha đất nông nghiệp, năm 2022 đạt 96,5 triệu đồng/ha/năm (tăng 1,5 triệu đồng so với năm 2021).

Không chỉ sản xuất rau, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Nhã Lộng đã tận dụng diện tích đất vườn, soi bãi để phát triển nghề trồng hoa. Điển hình như gia đình anh Dương Văn Mạnh, ở xóm Thanh Đàm. Anh Mạnh chia sẻ: Gia đình tôi có 15.000m2 đất, trước đây chủ yếu để trồng rau. Khoảng 3 năm trở lại đây, nhận thấy chất đất ở đây khá thích hợp để phát triển cây hoa nên tôi chuyển dần sang nghề mới. "Mùa nào thức ấy" tôi trồng các loại hoa như bướm, thược dược, cúc… Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu lãi hàng trăm triệu đồng nhờ trồng hoa.

Ngoài phát triển diện tích trồng rau và hoa, với lợi thế có Quốc lộ 37 chạy qua, kết nối giao thương giữa huyện Phú Bình và tỉnh Bắc Giang, các thành phố: Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên, xã Nhã Lộng còn tuyên truyền tới hơn 630 hộ dân (chiếm trên 30% tổng số hộ) có vị trí gần quốc lộ tập trung phát triển thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Anh Nguyễn Văn Tấn, chủ cơ sở kinh doanh các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp ở xóm Soi 2, cho hay: Gia đình tôi bán máy cày, máy xới đất, máy bơm nước, máy chế biến thức ăn chăn nuôi… Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, tôi thu khoảng 200 triệu đồng.  

Nhờ hướng đi đúng trong phát triển kinh tế, đến nay, thu nhập bình quân của xã Nhã Lộng hiện đạt 65 triệu đồng/người/năm (tăng 20 triệu đồng so với năm 2018); số hộ nghèo theo chuẩn mới giảm còn 151 hộ, chiếm 6,93% (giảm 0,27% so với năm 2021).

Thời gian tới, xác định rau là cây trồng chủ lực, địa phương sẽ tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất theo hướng an toàn lên 14ha (tăng 7ha so với hiện nay); tuyên truyền bà con sản xuất rau an toàn. Cùng với đó là liên kết với các doanh nghiệp, tạo đầu ra ổn định, nâng cao giá trị cho sản phẩm; tuyên truyền bà con đẩy mạnh và đa dạng các loại hình dịch vụ, phát triển thương mại… Từ đó nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.