Chống hàng giả trên thương mại điện tử là vấn đề vô cùng quan trọng, cấp thiết

Theo NDĐT 18:58, 15/11/2023

Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, trong 10 tháng năm 2023, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 62.338 vụ việc, xử lý 44.554 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 410 tỷ đồng. Hiện tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới diễn biến phức tạp và tiếp tục gia tăng, nhất là đối với các mặt hàng đường cát, thuốc lá điếu, hàng điện tử đã qua sử dụng.

Tình hình buôn lậu, kinh doanh vận chuyển hàng hoá vi phạm vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp (ảnh minh họa).
Tình hình buôn lậu, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa vi phạm vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp (ảnh minh họa).

Nhằm triển khai Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025", ngày 15/11, tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức Hội thảo "Nâng cao năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử Việt Nam".

Theo báo cáo tại hội thảo, trong 10 tháng năm 2023, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không bày bán tràn lan như trước đây mà sau khi qua biên giới được tập kết tại các kho hàng nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc nhà riêng, rồi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh; hàng hóa được chuyển đến người tiêu dùng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh.

Mặc dù đã tích cực vào cuộc ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, song vấn nạn hàng giả, gian lận thương mại, hàng lậu vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Các đối tượng chuyển địa bàn hoạt động từ môi trường truyền thống sang môi trường thương mại điện tử.

Tính chung 10 tháng năm 2023, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 62.338 vụ việc, xử lý 44.554 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 410 tỷ đồng.

Phát biểu tại hội thảo, Tổng Cục trưởng Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, không bày bán tràn lan như trước đây, mà sau khi hàng hóa qua biên giới, các đối tượng tập kết tại kho hàng nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc để tại nhà riêng, sau đó, các đối tượng lợi dụng việc kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử, để kinh doanh hàng hóa vi phạm, gây khó khăn cho công tác nắm bắt, kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng.

Hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, không bày bán tràn lan như trước đây, mà sau khi hàng hóa qua biên giới, các đối tượng tập kết tại kho hàng nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc để tại nhà riêng, sau đó, các đối tượng lợi dụng việc kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử, để kinh doanh hàng hóa vi phạm, gây khó khăn cho công tác nắm bắt, kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng.

Tổng cục trưởng Quản lý thị trường Trần Hữu Linh

Điển hình vào đầu tháng 11/2023, tại Gia Lai, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp kiểm tra hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên thường xuyên livestream bán hàng giả, chốt hàng trăm đến hàng nghìn đơn/ngày.

Theo lãnh đạo Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường), để kiểm tra cơ sở này, lực lượng đã mất hàng ngàn giờ theo dõi các đối tượng livestream bán hàng. Thời điểm kiểm tra, la liệt hàng hiệu giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng được đối tượng đổ đống, ngổn ngang từ khu vực phía ngoài cổng đến kho chứa trữ sâu bên hông khu vực nhà ở.

Vì vậy, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh khẳng định, chống hàng giả trên thương mại điện tử là vấn đề vô cùng quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ này sẽ được toàn lực lượng quản lý thị trường đẩy mạnh trong vòng 3 đến 5 năm tới. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng Bộ Công thương mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trên hết là của lực lượng quản lý thị trường.

Thương mại điện tử, mạng xã hội là không gian vô cùng rộng lớn, xuyên biên giới, do vậy, lực lượng quản lý thị trường cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người, để phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng chống hàng giả trên thương mại điện tử.