Mặc dù không phải là thế mạnh nổi bật của địa phương nhưng thời gian qua, huyện Phú Bình đã quan tâm chỉ đạo, khuyến khích nhân dân khai thác tối đa tiềm năng đất đồi rừng trên địa bàn. Từ đó góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho bà con và giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp của địa phương.
Việc phát triển kinh tế đồi rừng kéo theo sự phát triển của nghề chế biến lâm sản trên địa bàn huyện Phú Bình. |
Tân Kim là một trong những xã có diện tích rừng lớn ở huyện Phú Bình, với gần 700ha đất rừng. Nhờ vào rừng, nhiều hộ trong xã đã có đời sống tốt hơn và vươn lên thoát nghèo.
Chị Nguyễn Thị Thời, ở xóm Bờ La, xã Tân Kim, chia sẻ: Được sự tuyên truyền của chính quyền địa phương, năm 2017, tôi đã cải tạo 0,5ha đất đồi để trồng keo. Tôi cũng mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách xã hội 50 triệu đồng để mua cây giống, phân bón. Sau 6 năm chăm sóc, tôi thu hoạch và bán gỗ được trên 60 triệu đồng. Từ phát triển kinh tế rừng, gia đình tôi đã có thêm thu nhập và thoát nghèo vào năm 2023.
Nhằm “lấy ngắn nuôi dài”, không chỉ trồng cây lấy gỗ, nhiều hộ dân ở Phú Bình còn phát triển mô hình trồng rừng kết hợp nuôi ong dưới tán rừng và chăn nuôi gà thả đồi. Ông Trần Thế Trung, ở xóm Cầu Cong, xã Tân Khánh, cho biết: Gia đình tôi có hơn 2ha rừng. Sau 6 năm chăm sóc, 1ha rừng sẽ đem lại nguồn thu trung bình khoảng 90 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn nuôi gà dưới tán rừng để có nguồn thu nhập thường xuyên. Mỗi năm gia đình tôi nuôi 2 lứa gà, với khoảng 2.000 con/lứa. Nếu được giá, cứ 1.000 con gà, tôi thu được khoảng 40 triệu đồng.
Không riêng gia đình ông Trung, toàn huyện Phú Bình hiện có trên 13 nghìn hộ chăn nuôi gà dưới tán rừng, với tổng đàn trên 4 triệu con, sản lượng trên 20 nghìn tấn/năm, chiếm 63% giá trị sản xuất ngành Chăn nuôi và tạo việc làm cho khoảng 20 nghìn lao động. Năm 2014, sản phẩm “Gà đồi Phú Bình” đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể. Qua đó góp phần đưa chăn nuôi gà đồi của địa phương ngày càng phát triển về quy mô, sản lượng và chất lượng. Đồng thời, tận dụng hiệu quả diện tích đất rừng trên địa bàn.
Mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi gà dưới tán rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở nhiều xã của huyện Phú Bình. Trong ảnh: Một mô hình chăn nuôi gà dưới tán rừng ở xã Tân Khánh. |
Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, huyện Phú Bình hiện có gần 5.600ha rừng, 100% là rừng sản xuất, tập trung chủ yếu ở các xã phía Bắc, gồm: Tân Hòa, Tân Kim, Tân Thành, Tân Khánh, Bàn Đạt, Bảo Lý... Để khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế từ rừng, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền người dân tích cực tham gia phủ xanh đồi trọc; cải tạo đất vườn tạp, không phù hợp trồng cây ăn quả, rau màu sang trồng cây keo; đồng thời mở các lớp tập huấn, hướng dẫn trồng và chăm sóc rừng theo đúng quy trình kỹ thuật...
Nhờ đó, trong những năm gần đây, chỉ tiêu rừng trồng mới của huyện luôn vượt kế hoạch đề ra. Riêng năm 2023, diện tích rừng trồng mới đạt 165,8ha, vượt 10,5% kế hoạch được giao.
Theo đánh giá, diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Phú Bình đã và đang được khai thác hiệu quả, góp phần đưa giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của địa phương năm 2023 đạt hơn 2.529 tỷ đồng, tăng 2,98% so với năm trước. Đời sống của người dân, đặc biệt là cư dân ở các xã có thế mạnh về rừng, từng bước được cải thiện và nâng cao.
Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 75 triệu đồng/người/năm (tăng 5 triệu đồng so với năm 2022). Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,03% (giảm 1,15% so với năm 2022), hộ cận nghèo giảm còn 3,28% (giảm 1,22%).
Để tiếp tục khai thác hiệu quả diện tích đất lâm nghiệp, nhất là tại các xã có thế mạnh về rừng, thời gian tới, huyện Phú Bình tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tận dụng diện tích đất hiện có, cải tạo đất kém hiệu quả để trồng rừng; chú trọng phát triển rừng gỗ lớn. Đồng thời vận động nhân dân phát triển chăn nuôi hoặc trồng cây xen canh dưới tán rừng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích đất lâm nghiệp...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin