Với tỷ lệ đất lâm nghiệp chiếm trên 80% diện tích tự nhiên, thời gian qua, người dân xã Cây Thị (Đồng Hỷ) đã phát huy thế mạnh từ kinh tế đồi rừng để nâng cao đời sống.
Gia đình chị Đặng Thị Tư (ở xóm Kim Cương, xã Cây Thị, Đồng Hỷ) có cuộc sống ổn định nhờ phát triển kinh tế rừng và chăn nuôi. |
Gia đình chị Đặng Thị Tư ở xóm Kim Cương từng là hộ nghèo nhiều năm liên tục. Khoảng hơn 10 năm gần đây, kinh tế của gia đình dần khấm khá nhờ trồng hơn 1ha keo lai kết hợp chăn nuôi lợn và trồng chè. Chị Tư chia sẻ: Tôi thấy trồng keo không mất nhiều công chăm sóc, mỗi năm chỉ phát dọn 1-2 lần, không phải phun thuốc phòng trừ sâu bệnh và dưỡng nước như cây chè, nên vẫn có thời gian chăn nuôi 2-3 lứa lợn trong năm.
Không dừng lại ở việc thoát nghèo, trồng rừng sản xuất đã giúp nhiều hộ dân ở xã Cây Thị có của ăn, của để, vươn lên khá giả. Điển hình như hộ ông Dương Cao Khải, xóm Hoan; ông Bàn Văn Chi (xóm Cây Thị); ông Đặng Văn Thắng (xóm Cây Thị); ông Phan Văn Tiến (xóm Suối Găng)...
Theo thống kê, xã Cây Thị hiện có 3.277ha rừng, trong đó rừng sản xuất là 3.232ha chủ yếu trồng keo, bạch đàn, mỡ, cây giổi (khoảng 40ha). Trung bình mỗi năm, xã trồng mới được 120-140ha rừng. Để giải quyết đầu ra cho sản phẩm gỗ khai thác từ rừng của người dân, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho các cơ sở chế biến lâm sản hoạt động.
Trên địa bàn xã hiện có 20 cơ sở chế biến lâm sản, xưởng băm, bóc gỗ đang hoạt động tập trung chủ yếu ở các xóm Cây Thị, Mỹ Hòa, Trại Cau. Các cơ sở này không chỉ giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đảm bảo chế biến 100% sản lượng gỗ khai thác tại địa phương mà còn thu mua gỗ của một số xã lân cận.
Chị Dương Thị Vân Giang, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Hòa An, cho biết: Công ty hoạt động tại Cây Thị từ năm 2019 với 3 xưởng băm dăm gỗ, băm vỏ cây và bóc gỗ; trung bình mỗi tháng chế biến 1.000 tấn gỗ dăm, 7.000m3 phế phẩm vỏ cây và 200m3 ván. Hiện, doanh nghiệp tạo việc làm thường xuyên cho 16 lao động với thu nhập 8-12 triệu đồng/người/tháng.
Là một trong những lao động đang làm việc tại xưởng của Công ty, chị Dương Thị Thủy cho hay: Công việc không vất vả vì có máy móc hỗ trợ, xưởng gỗ lại gần nhà nên tôi cũng tranh thủ trồng 4 sào lúa. Trung bình mỗi tháng tôi được Công ty trả công 8-9 triệu đồng.
Hiệu quả kinh tế từ rừng đã và đang góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Cây Thị. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 7,39% (giảm 1,7% so với năm 2022); thu nhập bình quân của người dân đạt 42 triệu đồng/người/năm (tăng 5 triệu đồng so với năm 2022).
Hằng năm, cấp ủy, chính quyền xã đều xây dựng kế hoạch và vận động người dân tích cực đăng ký trồng mới, trồng lại, trồng dặm rừng sau khi khai thác; triển khai đầy đủ, kịp thời cơ chế, chính sách hỗ trợ trồng rừng; tổ chức 5-7 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng và chăm sóc cây lâm nghiệp; tạo điều kiện để các sơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn hoạt động ổn định.
Ông Bùi Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Cây Thị, cho biết: Địa phương đang phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên triển khai Chương trình trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, tập huấn kiến thức và vận động người dân đăng ký tham gia. Ngoài ra, trước nhu cầu phát triển về ngành nghề chế biến lâm sản, xã mong muốn các cấp, ngành chức năng của tỉnh xem xét có thêm cơ chế, chỉ tiêu phân bổ về quy hoạch đất sản xuất, kinh doanh để các hộ dân trong xã mở rộng cơ sở sản xuất, phát huy hết tiềm năng, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin