Với diện tích 676ha, chè là cây trồng chủ lực giúp nhiều hộ ở xã Phú Đô (Phú Lương) vươn lên làm giàu. Ý thức được tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, người dân nơi đây đã dần thay đổi tư duy canh tác, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chế biến chè theo hướng nông nghiệp xanh, tiêu dùng sạch...
Đồi chè áp dụng phương thức canh tác theo hướng an toàn, hữu cơ của HTX nông nghiệp thương mại dịch vụ Seamaul Phú Nam 1, xã Phú Đô (Phú Lương). |
Cũng giống như nhiều vùng sản xuất khác, trước đây, người dân xã Phú Đô thường lạm dụng phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc chè. Tình trạng này khiến đất đai ngày càng chai cứng, môi trường bị ô nhiễm, cây chè kém phát triển, sâu bệnh gây hại xuất hiện ngày càng nhiều.
Câu chuyện chuyển đổi thói quen canh tác của người dân Phú Đô bắt đầu từ khi xã đón nhận chương trình hỗ trợ xây dựng làng Saemaul (Làng mới) tại xóm Phú Nam 1. Khi đó người dân được tiếp cận, thực hành phương pháp canh tác chè mới, công việc lâu nay họ chưa từng làm như: ghi nhật ký sản xuất, lấy mẫu phân tích đất, giảm thiểu phân hóa học, sử dụng phân hữu cơ, thời gian phun, cách ly thuốc bảo vệ thực vật...
Bà Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ Seamaul Phú Nam 1, cho biết: Ban đầu việc chuyển đổi gặp nhiều khó khăn nhưng được sự đồng hành, hướng dẫn của cán bộ phụ trách dự án và các đơn vị chuyên môn, bà con nhận thấy sự thay đổi là cần thiết để nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm chè. Hiện, HTX có 27,2ha chè thì có 15ha trồng theo quy trình VietGAP, 12,2ha được cấp mã số vùng trồng. HTX có 15 dòng sản phẩm, trong đó có 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao và 4 sao.
Cùng với sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án, trên địa bàn xã cũng xuất hiện những cá nhân dám nghĩ, dám thay đổi trong sản xuất theo hướng nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện với môi trường như anh Hoàng Văn Tuấn, Giám đốc HTX trà an toàn Phú Đô. Từ năm 2018, anh Tuấn đã nghiên cứu, học hỏi và tự sản xuất phân hữu cơ từ than sinh học, ủ với phân chuồng, phụ phẩm nông nghiệp để bón cho chè. Thay vì phun thuốc trừ sâu hóa học, anh dùng ớt, tỏi, gừng và lá cây rừng làm thuốc trừ sâu.
HTX đang liên kết với 23 hộ dân, sản xuất trên diện tích hơn 15ha. Với cách làm này, HTX đã sản xuất, tự cung cấp được 90% phân hữu cơ bón cho cây chè. Anh Tuấn cũng sử dụng bếp khí hóa sinh khối để chế biến chè, tạo không khí trong lành, bảo vệ môi trường. Hiện nay, nhãn hiệu trà Phú Đô của HTX được Cục Sở hữu trí tuệ chính thức bảo hộ tại lãnh thổ Việt Nam. Sản phẩm được tiêu thụ thuận lợi trên thị trường trong và ngoài nước.
Kiên trì phương pháp canh tác an toàn, theo hướng hữu cơ, Hợp tác xã trà an toàn Phú Đô được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận, bảo hộ đối với nhãn hiệu trà Phú Đô. |
Điều vui hơn là cách làm của anh Tuấn cùng HTX trà an toàn Phú Đô đã lan tỏa trực tiếp đến người dân trong xóm, xã để từng bước chuyển dịch phương pháp canh tác, chế biến chè. Anh chia sẻ: Chỉ có sản xuất an toàn, hữu cơ mới mang lại sự phát triển bền vững, khẳng định được tên tuổi chè Phú Đô cũng như chè Thái Nguyên. Do đó, chúng tôi vừa làm vừa tuyên truyền, vận động các hộ cùng nhau thay đổi để xây dựng vùng nguyên liệu lớn, đảm bảo chất lượng.
Chị Nguyễn Thị Như Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Đô, thông tin: Thời gian qua, ngoài tăng diện tích trồng chè mới, địa phương đã quan tâm phát triển thương hiệu; khuyến khích người dân tập trung phát triển chè theo tiêu chuẩn VietGAP, tiến tới sản xuất chè hữu cơ. Xã đề xuất, phối hợp với các đơn vị chuyên môn hỗ trợ phân bón hữu cơ, vật tư nông nghiệp cũng như cách sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ tại chỗ, thuốc trừ sâu sinh học, thảo mộc; tập huấn kỹ thuật chăm sóc, quản lý dịch hại trên cây trồng...
Từ đầu năm đến nay, Phú Đô đã tổ chức được 5 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, sử dụng phân hữu cơ, sản xuất và chế biến chè thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp... cho trên 300 lượt người; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai hỗ trợ 204 tấn phân bón vi sinh Quế Lâm cho các tổ sản xuất chè VietGAP…
Phong trào sản xuất và kinh doanh chè an toàn, hữu cơ ở Phú Đô ngày càng lan tỏa mạnh mẽ. Diện tích chè đạt chuẩn VietGAP, sản xuất theo quy trình hữu cơ là 268ha, chiếm trên 45% tổng diện tích. Toàn xã có 3 HTX chè, 2 tổ hợp tác, dự án tập trung sản xuất chè an toàn, hữu cơ với hàng trăm hộ dân tham gia. Người dân Phú Đô đang dần thích ứng và nỗ lực phấn đấu sản xuất chè hữu cơ hướng đến xây dựng nông nghiệp xanh, bền vững.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin