Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) luôn quan tâm vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế. Từ đó giúp bà con từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Người dân xã Hợp Tiến trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. |
Ông Lê Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến, thông tin: Là xã có trên 70% người dân tộc thiểu số, đa phần là người Dao, đời sống kinh tế bà con chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông - lâm nghiệp. Chính vì vậy, xã tập trung đẩy mạnh các chương trình khuyến nông, khuyến lâm; vận động người dân ở 9 xóm đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Với lợi thế 3.733ha đất lâm nghiệp (100% là đất rừng sản xuất), những năm qua, xã Hợp Tiến luôn khuyến khích, vận động người dân phủ xanh đất trống đồi trọc bằng cây keo lai, tre phấn. Chỉ tính riêng giai đoạn 2020-2023, diện tích rừng trồng mới của xã là 398,4ha (đạt 79,7 % chỉ tiêu cả nhiệm kỳ). Năm 2023, giá trị thu nhập trên diện tích trồng rừng đạt 20 triệu đồng/ha.
Để góp phần nâng cao giá trị kinh tế lâm nghiệp, xã đang phối hợp với Trường Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên triển khai đến 9/9 xóm các nội dung về cấp chứng và vận động người dân đăng ký trồng theo các tiêu chuẩn rừng FSC.
Bên cạnh trồng rừng, xã Hợp Tiến cũng tạo điều kiện, quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ dân phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Hiện xã có 35 cơ sở chế biến lâm sản, băm bóc, tăm tre, 45 ô tô vận tải và máy xúc, hơn 150 dịch vụ tiểu thủ công nghiệp, góp phần phục vụ nhu cầu người dân địa phương và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn...
Gia đình anh Đặng Như Quyết ở xóm Cao Phong là một trong những hộ mạnh dạn đầu tư nhà xưởng bóc ván gỗ dăm. Anh Quyết chia sẻ: Nhận thấy bà con trong xã phát triển kinh tế rừng, mở rộng diện tích trồng keo nên tôi quyết định xây dựng nhà xưởng chế biến gỗ với diện tích gần 5.000m2. Hiện nay, xưởng của tôi đang có 11 lao động địa phương với mức thu nhập từ 5-8 triệu đồng/người/tháng.
Xưởng bóc ván gỗ của gia đình anh Đặng Như Quyết đang tạo việc làm thường xuyên cho 11 lao động địa phương. |
Đối với sản xuất nông nghiệp, xã Hợp Tiến đã triển khai kịp thời các chính sách của Nhà nước trong cung ứng cây, con giống; trợ giá các giống lúa lai BTE1, TH 3-7, TH 3-5 cho nhân dân. Nhờ đó, diện tích, năng suất gieo trồng ngô, lúa đều đảm bảo và vượt kế hoạch.
Tính riêng lúa vụ xuân năm 2024, diện tích gieo trồng của xã vượt 46ha; năng suất tăng 3 tạ/ha; sản lượng tăng 287 tấn. Hiện, giá trị bình quân trên 1ha đất cấy lúa đạt 70 triệu đồng/năm.
Còn với cây chè, xã cũng vận động người dân trồng mới, trồng thay thế những diện tích già cỗi bằng chè cành, chè lai năng suất cao. 3 năm qua, tổng diện tích chè trồng mới là 3,5ha. Hiện nay, diện tích chè kinh doanh của Hợp Tiến là 77ha với trên 70% là chè cành, chè giống mới.
Không chỉ khuyến khích người dân phát triển kinh tế nông hộ, xã cũng vận động, khuyến khích các hộ dân liên kết thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã. Đến nay, trên địa bàn có 3 hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động khá hiệu quả.
Anh Đặng Hữu Ninh, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất thanh long VietGAP Cao Phong, cho biết: Chúng tôi hiện có 12 hộ tham gia trồng thanh long tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 5,3ha. Trung bình mỗi năm, sản lượng thanh long đạt 70-90 tấn. Những năm qua, chính quyền địa phương rất quan tâm, tạo điều kiện để sản phẩm thanh long tham gia các chương trình trưng bày, tôn vinh nông sản. Năm 2023, quả thanh long ruột tím của Tổ hợp tác đã được tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên.
Với việc triển khai hiệu quả, đồng bộ các giải pháp, hết năm 2023, thu nhập bình quân của người dân xã Hợp Tiến đạt 48,9 triệu đồng (tăng 4,3 triệu đồng so với năm 2022); tỷ lệ hộ nghèo còn 11,6% (giảm 2,95% so với năm 2022)...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin