Phát triển nông nghiệp tuần hoàn: Hướng đi hiệu quả ở Phú Lương

Vi Vân 10:13, 31/08/2024

Khoảng 5 năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Phú Lương dần hình thành những mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn (NNTH), hướng đến phát triển kinh tế xanh và bền vững.

Trung bình mỗi năm, HTX Nông sản Phú Lương, ở xã Ôn Lương, sản xuất được trên 100 tấn phân bón hữu cơ vi sinh để bón cho chè, lúa.
Trung bình mỗi năm, HTX nông sản Phú Lương (địa chỉ xã Ôn Lương, huyện Phú Lương) sản xuất được trên 100 tấn phân bón hữu cơ vi sinh để bón cho chè, lúa.

NNTH là một quá trình sản xuất nông nghiệp khép kín. Theo đó, các chất thải và phế phụ phẩm nông nghiệp (rơm, rạ, phân gà…) sẽ được sử dụng để làm nguyên liệu đầu vào bón cho cây trồng, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản.

Ở Việt Nam, việc tận dụng phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp đã có từ lâu. Người dân thường tận dụng rơm rạ, cây trồng không sử dụng để chăn nuôi gia súc, thủy sản; ủ phân chuồng hoai mục để bón cho cây trồng, chăn nuôi thủy sản... và đã hình thành nhiều mô hình vườn, ao, chuồng quy mô hộ gia đình mang lại hiệu quả cao.

Tuy nhiên, nhiều năm trở về trước, việc phát triển nông nghiệp chủ yếu theo hướng chuyên môn hóa, hình thành các khu, vùng chăn nuôi, trồng trọt tập trung. Đây là hướng phát triển nông nghiệp hiện đại, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, năng suất lao động, thu nhập cho người dân, nhưng cũng đặt ra bài toán về xử lý chất thải gia súc, gia cầm tại khu chăn nuôi tập trung, còn các khu vực chuyên trồng trọt lại không có phân hữu cơ để sử dụng, bắt buộc sử dụng phân bón vô cơ, hóa học.

Từ vấn đề đặt ra, những năm gần đây, các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn đã tập trung hướng dẫn bà con sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải chăn nuôi theo quy trình để cung cấp cho các đơn vị, hộ gia đình trồng trọt. Tại huyện Phú Lương, nhiều đơn vị, người dân đã chủ động sản xuất phân hữu cơ vi sinh, bán cho các khu chuyên canh cây trồng, hộ gia đình phục vụ trồng trọt, tạo nên chuỗi nông nghiệp khép kín, mô hình NNTH.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Lương, cho biết: Mô hình NNTH đã hình thành và phát triển trên địa bàn huyện từ năm 2020 trở lại đây. Phòng đã phối hợp với một số cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân cũng như các HTX, doanh nghiệp mạnh dạn áp dụng mô hình này vào sản xuất, mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp của địa phương. Đồng thời tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho Ban Quản lý các HTX, doanh nghiệp và các hộ sản xuất kinh doanh về sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, quy trình VietGAP, từ đó góp phần thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của người dân trong việc tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn…

Anh Tống Văn Viện, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nông sản Phú Lương, cho hay: HTX thành lập năm 2020, đến nay đã có 60ha chè, liên kết với 291 hộ dân trong và ngoài địa bàn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 50ha lúa bao thai, khang dân cũng sản xuất theo tiêu chuẩn trên… Với diện tích chè, lúa nhiều như vậy, tôi đã xây dựng nhà xưởng, sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ các phụ phẩm nông nghiệp như phân gà, chấu… để bón trên cây chè, cây lúa. Qua quá trình bón loại phân này, tôi thấy cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, chất lượng sản phẩm cũng được nâng lên rõ rệt… Hơn nữa, sử dụng phân hữu cơ còn có tác dụng cải tạo đất, làm đất tơi xốp, tăng khả năng giữ nước, giữ ẩm. Từ đó hạn chế việc thường xuyên phải tưới nước, giúp tiết kiệm chi phí, công sức chăm sóc cây trồng. Trung bình mỗi năm, HTX sản xuất và sử dụng khoảng 100 tấn phân hữu cơ vi sinh để bón trên cây chè, lúa, đồng thời cung cấp tới các hộ liên kết.

Gia đình ông Nguyễn Đức Hiền (ở xóm Mỹ Khánh, xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương) nuôi 25 con hươu. Phân hươu được sử dụng để bón cho 3.500 cây sâm nam và 5 sào cỏ.
Gia đình ông Nguyễn Đức Hiền (ở xóm Mỹ Khánh, xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương) nuôi 25 con hươu. Phân hươu được sử dụng để bón cho 3.500 cây sâm nam và 5 sào cỏ.

Ngoài HTX nông sản Phú Lương, trên địa bàn huyện Phú Lương còn nhiều HTX, doanh nghiệp và hộ dân cũng đang phát triển kinh tế theo hướng NNTH, có thể kế đến một số đơn vị, như: HTX chè an toàn Khe Cốc (xã Tức Tranh); Công ty CP sản phẩm thiên nhiên DK (xã Yên Ninh)…

Ông Nguyễn Đức Hiền, ở xóm Mỹ Khánh, xã Phấn Mễ, cho hay: Trong một lần được tận mắt chứng kiến mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi tại tỉnh Hà Tĩnh, với những hiệu quả mang lại rõ rệt, năm 2021, tôi đã áp dụng tại gia đình. Theo đó, tôi đã xây chuồng, nuôi 25 con hươu sao (15 con đực, 10 con cái) để khai thác sừng và sinh sản. Phân của hươu tôi ủ hoai mục, dùng để bón cho 3.500 cây sâm nam (loại cây chuyên lấy hoa, rễ để uống bồi bổ cơ thể) và 5 sào cỏ để chăn hươu. Do đó, tôi hoàn toàn không phải mua phân ở bên ngoài để bón cho cây mà còn xử lý được lượng lớn phân hươu thải ra môi trường. Trung bình mỗi năm, từ khai thác sừng hươu, bán hươu con và hoa sâm nam, tôi có thu nhập trên 400 triệu đồng.

Thực tế cho thấy, mô hình sản xuất NNTH đã và đang là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao giá trị sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn. Nhiều HTX, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Phú Lương đã được những kết quả nhất định từ mô hình này.

Đơn cử như HTX chè an toàn Khe Cốc là HTX đầu tiên của địa phương có 20ha chè được chứng nhận hữu cơ và đang tiếp tục nhân rộng lên 43,8ha vào cuối năm nay; 4 sản phẩm chè được công nhận OCOP. Công ty CP sản phẩm thiên nhiên DK chuyên sản xuất các sản phẩm từ dây thìa canh, đến nay đơn vị đã có 2ha dây thìa canh lá to được chứng nhận hữu cơ, đây cũng là vùng dây thìa canh lá to lớn nhất cả nước; nhiều hộ dân cũng áp dụng sản xuất NNTH vào kinh tế gia đình, cho thu nhập trung bình mỗi năm hàng trăm triệu đồng… 

Bà Nguyễn Thị Thu Trang cho biết thêm: Thời gian tới, Phòng tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương tuyên truyền về sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, VietGAP tới các HTX, doanh nghiệp và người dân, đồng thời hỗ trợ cấp giấy chứng nhận VietGAP, hữu cơ cho các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn; tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất NNTH trên địa bàn, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương…