Áp dụng đồng bộ các quy trình, sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào và hiệu quả các nguồn tài nguyên, thiên nhiên, nông nghiệp xanh đang được coi là xu hướng tất yếu của thời đại. Tại Thái Nguyên, nông nghiệp xanh cũng đã được quan tâm từ 5 năm trở lại đây, trong đó có một số mô hình phát huy hiệu quả. Dù vậy, để phát triển nông nghiệp xanh, tỉnh vẫn cần vượt qua không ít trở ngại.
Mô hình trồng thanh long hữu cơ tại xã Phú Thượng (Võ Nhai) đang phát triển rất tốt, có đầu ra ổn định. |
Nâng cao tính cạnh tranh của nông sản
Một trong những điển hình về sản xuất nông nghiệp xanh “có tiếng” tại Thái Nguyên phải kể đến là Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi xanh, ở tổ dân phố Pha, phường Lương Sơn (TP. Sông Công). Sau 7 năm đi vào hoạt động, HTX đã khẳng định được hiệu quả từ sản xuất sạch, xanh khi tạo dựng thành công mô hình chăn nuôi lợn, gà khép kín theo hướng an toàn sinh học (từ sản xuất con giống đến khâu chăm sóc, giết mổ), trồng các loại rau, quả chất lượng cao trong nhà kính (khoảng 1.500m2).
Không chỉ chủ động kiểm soát đầu vào như con giống, thức ăn chăn nuôi để tạo ra sản phẩm an toàn, HTX còn có khu xử lý chất thải riêng để không gây mùi, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường xung quanh. Chất thải từ chăn nuôi được HTX thu gom, xử lý phục vụ cho việc trồng rau xanh trong nhà kính mang lại hiệu quả thiết thực.
Ông Nguyễn Văn Ngữ, Giám đốc HTX, cho biết: Mỗi năm chúng tôi đưa ra thị trường hơn 1.000 con lợn, trên 6.000 con gà thương phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP và 10 tấn rau quả sạch. Điều khiến tôi tâm đắc chính là sản phẩm của HTX làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Vài năm nay, dù giá bán thị lợn, gà, rau xanh trên thị trường có giảm “sâu” thì sản phẩm của chúng tôi vẫn giữ giá ổn định và có chiều hướng tăng lên.
Mô hình chăn nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học được thực hiện hiệu quả tại xã Hóa Trung (Đồng Hỷ). |
Từ thực tế cho thấy, nông nghiệp xanh đang hướng đến nâng cao tính cạnh tranh của nông sản. Đồng thời, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng các phế thải, phụ phẩm, giúp người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, ổn kinh tế, bảo vệ tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp. Ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho hay: Nông nghiệp xanh mang lại nhiều lợi ích cả về kinh tế lẫn xã hội khi giảm phát thải và tác động của hóa chất độc hại; phục hồi, cải thiện đất đai; tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Đáng nói, sản xuất sạch, xanh còn giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người vì không còn tình trạng vứt bỏ bao bì, hóa chất rơi vãi ngoài môi trường hoặc chất thải dư thừa làm ô nhiễm nguồn nước. Theo đó, hệ sinh thái được cân bằng và duy trì đa dạng sinh học do hạn chế sử dụng hóa chất, giúp ổn định hệ vi sinh có lợi trong đất, để cây trồng phát triển theo hướng tự nhiên.
Nông dẫn vẫn e ngại
Hiệu quả là vậy nhưng nông nghiệp xanh vẫn còn khá mới lạ, chưa phổ biến rộng rãi ở Thái Nguyên. Đặc biệt, nhiều nông dân trong tỉnh rất muốn tiếp cận nhưng vẫn chỉ dừng ở mức tìm hiểu chứ chưa áp dụng. Bà Lê Thị Phương, xóm La Đồng, xã La Hiên (Võ Nhai) chia sẻ: Gia đình tôi có khoảng 1ha na trên núi. Hiện nay, người dân La Hiên đã thâm canh na rải vụ để hạn chế tình trạng mất giá khi vào vụ thu hoạch chính. Tuy nhiên việc hướng đến sản xuất xanh vẫn đang nằm ở dự định. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, để đầu tư cho sản xuất xanh, người nông dân không chỉ tốn nhiều thời gian, công sức mà còn phải đảm bảo quy trình khép kín từ việc đầu tư cho giống cây; kỹ thuật trong thâm canh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ vật đến việc thu hái, bảo quản…
Nông sản sạch được tiêu thụ khá mạnh tại Siêu thị Minh Cầu (TP. Thái Nguyên). |
Dù nông nghiệp xanh tạo ra nông sản chất lượng, đảm bảo an toàn cho người sản xuất và tiêu dùng nhưng giá bán lại đắt hơn so với sản phẩm thông thường. Minh chứng rõ nét nhất là giá bán sản phẩm na sạch La Hiên tại phiên livestream trên nền tảng Facebook, Tiktok diễn ra hồi đầu tháng 8 vừa qua (do UBND huyện Võ Nhai và Liên minh HTX tỉnh phối hợp tổ chức) có giá 80 nghìn đồng/hg, trong khi giá bán ngoài thị trường bình quân chỉ từ 20-40 nghìn đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Dung, chủ quầy kinh doanh hoa quả tại tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), nói: Hiện nay, nhiều người vẫn quan tâm về giá chứ chưa chú trọng đến sự an toàn của sản phẩm. Với giá bán còn cao, nông sản sạch, xanh rất kén người tiêu dùng.
Hướng đến mục tiêu “tăng trưởng xanh”
Rõ ràng, Thái Nguyên có nhiều thuận lợi và tiềm năng để phát triển nền nông nghiệp xanh. Hiện nay, tỉnh đã có 60ha chè được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn TCVN 11041; xây dựng được vùng trồng 4.000ha quế tập trung. Từ nay đến hết năm 2025, tỉnh phấn đấu có khoảng 200ha chè hữu cơ đạt chứng nhận; đến năm 2030, phấn đấu có 10.000ha quế tập trung tại Định Hóa, Võ Nhai.
Riêng trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh đã xây dựng được trên 70 HTX, tổ hợp tác sản xuất chăn nuôi; 9 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi; 30 doanh nghiệp, công ty liên doanh, liên kết chăn nuôi lợn, gà theo chuỗi; duy trì hoạt động 20 chuỗi liên kết sản xuất - giết mổ, chế biến - tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục khuyến khích phát triển chăn nuôi xanh.
Anh Đinh Quốc Văn, xóm Trung Thành 1, xã Vô Tranh (Phú Lương) đầu tư đồng bộ hệ thống máy móc phục vụ sản xuất, chế biến và bảo quản chè. |
Để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về nền nông nghiệp xanh được Thái Nguyên coi là giải pháp cả trước mắt và lâu dài. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác; giới thiệu, quảng bá, tuyên truyền để nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, xanh. Ngoài ra, tỉnh sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật theo hướng cầm tay, chỉ việc cho nông dân trong phát triển nông xanh…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin