Nông nghiệp sạch và những bứt phá ấn tượng

Tùng Lâm 11:01, 31/12/2024

Nông nghiệp sạch luôn được xem là “đích” đến của Thái Nguyên trong quá trình chuyển đổi xanh và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Vì lẽ ấy, nhiều năm nay, tỉnh luôn khuyến khích các mô hình sản xuất sạch phát triển với mong muốn xây dựng một nền nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, không bỏ đi thứ gì.

Hợp tác xã nông nghiệp và dược liệu Thiên Phúc (xã Minh Lập, Đồng Hỷ) sử dụng phần phụ của sâm Bố Chính (lá, rễ con, thân…) phối trộn nguyên liệu địa phương như ngô, sắn… làm thức ăn chăn gà, nâng cao chất lượng thịt.
Hợp tác xã nông nghiệp và dược liệu Thiên Phúc (xã Minh Lập, Đồng Hỷ) sử dụng phần phụ của sâm Bố Chính (lá, rễ con, thân…) phối trộn nguyên liệu địa phương như ngô, sắn… làm thức ăn chăn gà, nâng cao chất lượng thịt.

Từ các mô hình điểm

Một trong những đơn vị đi đầu về sản xuất sạch phải kể đến là Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và dược liệu Thiên Phúc, xã Minh Lập (Đồng Hỷ). Với lợi thế có vùng dược liệu rộng lớn (4ha sâm Bố Chính, 3ha Cát sâm và trên 20ha Ba Kích); chăn nuôi 5.000 con gà ri, ri lai, 4.000 con gà H’Mông và 3 trại nuôi ốc nhồi trên diện tích 1ha, HTX đã mạnh dạn thực hiện Dự án ứng dụng khoa học phát triển chuỗi liên kết nông nghiệp dược liệu tuần hoàn theo hướng hữu cơ, tạo năng lượng xanh.

Theo chị Nguyễn Thị Bình, Giám đốc HTX, cây dược liệu của HTX được trồng trong điều kiện tự nhiên, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học... Được sự hướng dẫn của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Viện cây ăn quả miền Nam, Viện Dược liệu Việt Nam, HTX đã áp dụng quy trình ủ phân gà và các phế phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ để bón cho cây dược liệu. Đồng thời sử dụng phần phụ của sâm Bố Chính (lá, rễ con, thân…) phối trộn nguyên liệu địa phương như ngô, sắn… làm thức ăn chăn gà. Từ đó nâng cao chất lượng thịt gà, mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

Đáng mừng nhất là HTX đã liên kết, chuyển giao cho 15 tổ hợp tác với 50 hộ dân chủ yếu là phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện tham gia trồng dược liệu. Cùng với đó là áp dụng quy trình sản xuất phân bón hữu cơ từ các phế phụ phẩm nông nghiệp để bón cho cây dược liệu.

Theo đó, một số hộ đã sử dụng phần phụ của sâm nuôi gà ri, gà H’Mông. Đặc biệt, HTX cam kết thu mua dược liệu, gà cho nông dân thực hiện đúng quy trình; phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Minh Lập tuyên truyền hội viên thu gom phế phụ phẩm trong nông nghiệp bán cho HTX làm phân bón hữu cơ…

Ngoài mô hình nêu trên, HTX chăn nuôi bò và dịch vụ sản xuất nông nghiệp Nga My (Phú Bình) cũng là một điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp sạch của tỉnh. Với việc áp dụng mô hình chăn nuôi đa dạng, kết hợp chăn nuôi trâu, bò sinh sản và vỗ béo, chăn nuôi lợn, gà, trùn quế, HTX đã tạo ra một vòng tròn tuần hoàn khép kín, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ môi trường.

Chất thải trong chăn nuôi bò, lợn được Hợp tác xã chăn nuôi bò và dịch vụ sản xuất nông nghiệp Nga My (Phú Bình) dùng để nuôi trùn quế làm thức ăn cho gà, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ môi trường.
Chất thải trong chăn nuôi bò, lợn được Hợp tác xã chăn nuôi bò và dịch vụ sản xuất nông nghiệp Nga My (Phú Bình) dùng để nuôi trùn quế làm thức ăn cho gà, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ môi trường.

Hiện nay, HTX chăn nuôi trên 150 con bò, 300 con lợn thịt/lứa. Không chỉ áp dụng quy trình VietGAHP trong chăn nuôi, toàn bộ chất thải chăn nuôi được HTX thu gom, xử lý bằng chế phẩm sinh học để nuôi trùn quế làm thức ăn cho gà. Để xây dựng được mô hình khép kín như vậy, HTX đã được chính quyền địa phương, lực lượng khuyến nông tỉnh hỗ trợ rất nhiều về kỹ thuật chăn nuôi, thức ăn hỗn hợp, thuốc thú y…

Trong 5 năm qua, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng tuần hoàn, khép kín từ đầu vào đến đầu ra đã được triển khai tại Thái Nguyên. Sự thành công ban đầu của các mô hình đã mở ra hướng đi mới, phù hợp với xu hướng tăng trưởng xanh của thời đại.

Đến những định hướng phù hợp

Thực tế đã chứng minh, sản xuất nông nghiệp sạch có thể tạo ra sự bứt phá khi nông dân áp dụng các tiêu chuẩn GAP, hữu cơ vào sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi); mạnh dạn đầu tư nhà màng, nhà lưới và hệ thống tưới tiết kiệm; khu chuồng trại chăn nuôi hiện đại, thông minh…

Định hướng phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp sạch cũng đòi hỏi các cấp, ngành chức năng của tỉnh quan tâm đến công tác quy hoạch vùng trồng trọt, chăn nuôi tập trung có quy mô lớn và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm…  

Hợp tác xã nông nghiệp và dược liệu Thiên Phúc (xã Minh Lập, Đồng Hỷ) đã tạo được vùng trồng dược liệu sạch rộng 27ha.
Hợp tác xã nông nghiệp và dược liệu Thiên Phúc (xã Minh Lập, Đồng Hỷ) đã tạo được vùng trồng dược liệu sạch rộng 27ha.

Với mong muốn có sự bứt phá từ sản xuất nông nghiệp sạch, 5 năm qua (2020-2024), Thái Nguyên đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển dịch cơ cấu giống câu trồng, vật nuôi; ứng dụng tiến hộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất.

Cụ thể, toàn tỉnh đã triển khai 368 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong nông nghiệp. Nhiều mô hình, dự án hợp tác liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ngày càng được mở rộng cả về quy mô và diện tích.

Một trong những đơn vị cụ thể hóa chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp sạch của tỉnh phải kể đến là Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Thái Nguyên. Từ năm 2020 đến nay, Chi cục đã hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho trên 3.300ha chè, 1.000ha cây ăn quả và cây rau; chứng nhận VietGAHP gần 160 trang trại chăn nuôi…

Ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Việc đầu tư kinh phí thực hiện hiệu quả các mô hình, dự án sản xuất nông nghiệp sạch chính là nền tảng thí điểm để nhân rộng đến nông dân. Từ đó làm thay đổi thói quen sản xuất truyền thống, áp dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.

Tuy nhiên phải thừa nhận rằng sản xuất nông nghiệp sạch, nhất là với việc sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, không bỏ đi thứ gì trên địa bàn tỉnh vẫn còn ít ỏi. Do đó, thời gian tới, chiến lược của Thái Nguyên vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vai trò của nông nghiệp sạch trong cả hệ thống chính trị và người dân. Đồng thời có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ sản xuất, chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm có thế mạnh của tỉnh.

Ưu tiên, khuyến khích nghiên cứu các mô hình sản xuất tuần hoàn, ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sinh học vào lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, sản xuất vắc-xin, nhận dạng, định danh, truy xuất nguồn gốc và đảm bảo môi trường sản xuất, đặc biệt là xử lý môi trường chăn nuôi...