Với ngành Nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, những năm qua, huyện vùng cao Võ Nhai đã tăng cường hỗ trợ phát triển các mô hình, dự án trồng trọt, chăn nuôi. Qua đó góp phần tăng giá trị nông sản và thu nhập của bà con nông dân, từng bước hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, hiệu quả thấp.
Từ quy mô 1ha triển khai từ năm 2021, đến nay người dân trên địa bàn xã Phú Thượng (Võ Nhai) đã mở rộng diện tích cây thanh long lên gần 10ha. |
Năm 2021, gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết (xóm Na Phài, xã Phú Thượng) cùng với 43 hộ khác tham gia mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP. Được hỗ trợ giống, phân bón, trụ bê tông và hướng dẫn khoa học - kỹ thuật nên bà Tuyết mạnh dạn chuyển đổi 2 sào vườn tạp sang trồng thanh long.
Sau hơn 1 năm trồng, cây thanh long đã cho thu hoạch và mỗi sào trừ chi phí gia đình thu về 10 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả, bà Tuyết dần mở rộng diện tích, đến nay đã tăng lên thành 0,7ha. Hiện, cây thanh long mỗi năm mang về thu nhập cho gia đình trên 100 triệu đồng.
Bà Tuyết cho hay: Thanh long phù hợp với cả đất đồi thấp lẫn đất ruộng, dễ chăm sóc và ít sâu bệnh. Đầu ra cho quả thanh long cũng thuận lợi, khi đến vụ thu hoạch (khoảng tháng 4 đến 11 Âm lịch), thương lái đến thu mua tận vườn.
Gia đình ông Lâm Văn Long (xóm Làng Lai, xã La Hiên) lại chọn phát triển kinh tế bằng mô hình chăn nuôi gà. Năm 2024, được hỗ trợ từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện về giống, thức ăn và khoa học - kỹ thuật, ông mạnh dạn đầu tư nuôi 1.000 con gà lai chọi. Sau 3 tháng chăn nuôi, ông thu lãi gần 60 triệu đồng.
Ông Long chia sẻ: Qua quá trình nuôi, tôi thấy giống gà lai chọi dễ thích nghi với điều kiện thời tiết lạnh ở vùng cao; tỷ lệ sống đạt 95%; dễ nuôi và có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có…
Người dân xã La Hiên (Võ Nhai) nhận thức ăn chăn nuôi hỗ trợ từ mô hình chăn nuôi gà chọi lai thương phẩm. |
Từ năm 2020 đến nay, huyện Võ Nhai đã tích cực chỉ đạo phòng chuyên môn hỗ trợ phát triển các dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp từ các chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn ngân sách của huyện. Sau 5 năm, huyện thực hiện thành công 25 mô hình, dự án về trồng trọt, chăn nuôi, như: Chăn nuôi hươu sinh sản theo chuỗi; nuôi cá chép giòn theo hướng an toàn sinh học; sản xuất chè hữu cơ; trồng cây dược liệu dưới tán rừng; sản xuất rau, củ, quả nhà lưới theo hướng an toàn; chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học… Khi tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ về cây, con giống; vật tư nông nghiệp; tập huấn; hướng dẫn kỹ thuật…
Ông Dương Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, thông tin: Để các mô hình, dự án nông nghiệp đem lại hiệu quả, huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phải căn cứ vào điều kiện thổ nhưỡng, địa hình, thế mạnh, tập quán canh tác của người dân ở từng xã để triển khai và theo định hướng phát triển nông nghiệp của huyện. Các mô hình phải sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP, an toàn sinh học và thúc đẩy các chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản.
Việc đẩy mạnh phát triển các mô hình không chỉ góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, thói quen trong sản xuất của người dân mà còn giúp duy trì đà tăng trưởng ổn định cho ngành nông nghiệp Võ Nhai. Năm 2024, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản của huyện đạt trên 1.000 tỷ đồng (tăng gần 6% so với năm 2023); giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt đạt 109 triệu đồng (tăng gần 40 triệu đồng so với năm 2020); sản lượng thịt hơi các loại đạt 11.000 tấn (tăng 5.000 tấn so với năm 2020)…
Cùng với đó, huyện đã có tổng số 21 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP 3 sao, trong đó nhiều sản phẩm OCOP được xây dựng từ các mô hình trồng trọt.
Bà Đặng Thị Hiếu, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, cho biết: Chúng tôi đang phối hợp với các xã và phòng chuyên môn của huyện tiếp tục triển khai, nhân rộng các mô hình hiệu quả; đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật để bà con nông dân có thêm kiến thức, áp dụng vào sản xuất, từ đó nâng cao năng suất, giá trị cây trồng, vật nuôi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin